1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ xử bắn "em trai tổng thống" ở khám Chí Hòa

Trong lịch sử Khám Chí Hòa từ khi xây dựng cho tới năm 1975 đã có hai vụ xử bắn được thực hiện ngay trong khuôn viên khám. Vụ thứ nhất là xử bắn Ngô Đình Cẩn, em ruột Ngô Đình Diệm và vụ thứ hai là xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi.

Từ trước đến nay cũng đã có nhiều người kể về hai vụ xử bắn này. Tuy nhiên, việc “tam sao thất bản” là điều thường xảy ra bởi có những người không hề có mặt trong hai buổi thi hành đó mà chỉ được nghe kể nên đã tường thuật lại theo lời người khác, cộng với những suy diễn chủ quan của mình.

Chúng tôi đã gặp may khi tìm được một người đã có mặt trong hai vụ hành quyết đó. Ông là Phan Kim Thịnh và là một ký giả không nổi tiếng ở Sài Gòn vào những năm 60 của thế kỷ trước, về những bài báo nhưng lại nổi tiếng là một ông chủ nhiệm tới 5 tờ báo.

Nói về nghề báo của mình, ông Lý Nhân cười hà hà (mà sao ông có nụ cười sảng khoái trẻ trung đến thế, mặc dù năm nay ông đã 73 tuổi): “Ngày đấy chúng tôi làm báo láu cá lắm. Tôi tiếng là chủ bút 5 tờ báo: Tạp chí Văn học; Tạp chí Nhân văn, Báo Mới, Bưu Hoa; và còn là Giám đốc Nhà xuất bản Văn học nhưng những tờ báo mới như tờ Bưu Hoa, Tạp chí Nhân văn mỗi số in không quá 1.000 tờ, nhưng lại móc với công nhân nhà in, khai khống số lượng để rồi mang hóa đơn đó đi mua giấy từ Bộ Thông tin rồi đem bán giấy... Có vậy mới đủ tiền nuôi Nhà xuất bản Văn học và Tạp chí Văn học”.

Khi tôi hỏi ông Nhân về hai vụ tử hình Ngô Đình Cẩn và Nguyễn Văn Trỗi thì ông nói với vẻ ngậm ngùi: “Đúng là tôi được dự hai buổi ấy từ đầu tới cuối và đồng thời cũng có rất nhiều tư liệu, tôi còn lưu giữ được khá nhiều ảnh... Thật ra, loại phóng viên như tôi không bao giờ được Bộ Thông tin Sài Gòn thời ấy cho phép dự những sự kiện quan trọng, nhưng tôi có người anh rể phụ trách lễ tân ở Phủ tổng thống cho nên tôi thường có giấy tới những nơi xảy ra việc lớn. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in buổi xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi và trong thâm tâm tôi luôn kính trọng, khâm phục người anh hùng ấy.

Một góc Khám Chí Hòa ngày nay.

Một góc Khám Chí Hòa ngày nay.

Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về vụ xử bắn Ngô Đình Cẩn.

Nhưng trước hết để bạn đọc hiểu rõ thêm những sự việc diễn ra trước đó chúng tôi sẽ cung cấp những tư liệu liên quan đến việc vì sao Ngô Đình Cẩn phải bị tử hình.

Ngày 1/11/1963, một nhóm tướng tá quân đội của chế độ Ngô Đình Diệm được sự xúi giục, giật dây của Mỹ đã làm đảo chính và hạ sát Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Còn Ngô Đình Cẩn lúc đó đang ở Huế, nghe tin hai anh đã bị đảo chính và bị bắt nên chạy trốn vào nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Trưa ngày 2/11, tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn 1, Vùng 1 chiến thuật từ Đà Nẵng bay ra Huế gặp Ngô Đình Cẩn và thề sống thề chết sẽ đảm bảo tính mạng cho Cẩn.

Vì tin lời Đỗ Cao Trí, Ngô Đình Cẩn đã bảo đại úy cận vệ Nguyễn Văn Minh về nhà lấy một túi lớn đựng 24 kg vàng và một valy trong đó có nhiều đôla và đồ trang sức giao cho tướng Trí. Đỗ Cao Trí nhận hai túi trên rồi bay về Đà Nẵng để chờ lệnh từ Sài Gòn.

Trưa ngày 3/11, Lãnh sự Mỹ tại Huế R.Helble và Phó lãnh sự Mullen tới nhà Cẩn gặp đại úy Minh và nhờ Minh thông báo rằng, họ mời Ngô Đình Cẩn tới lánh nạn để bảo toàn tính mạng. Được thông báo lại, Cẩn suy nghĩ lắm bởi vì Cẩn không nỡ bỏ mẹ già ở lại một mình. Cũng phải nói thêm rằng, Ngô Đình Cẩn tuy là người cực kỳ tàn ác, thâm hiểm đối với những người theo cách mạng, nhưng lại là người chí hiếu đối với mẹ, chính vì thế mà việc trông nom mẹ ở Huế được Diệm - Nhu giao cho Cẩn.

Nhưng hai viên lãnh sự Mỹ cũng thề thốt là sẽ đảm bảo an toàn cho Cẩn, nghe bùi tai Ngô Đình Cẩn đã đến Tòa Tổng lãnh sự Mỹ lánh nạn. Nhưng ngày hôm sau, Lãnh sự Mỹ trở mặt và giao Cẩn cho Đỗ Cao Trí áp giải vào Sài Gòn. Người ra đón Cẩn tại sân bay chính là viên sĩ quan CIA nổi tiếng Lui Conein. Và Conein giao Cẩn cho đám an ninh quân đội của Dương Văn Minh. Ngô Đình Cẩn bị đưa ngay vào Khám Chí Hòa.

Tại Khám Chí Hòa, Cẩn bị đưa vào chế độ biệt giam và bị đối xử khá tàn tệ. Tuy không bị tra tấn, đánh đập nhưng ăn uống tồi tệ, nên bệnh tiểu đường và bệnh viêm khớp xương tái phát. Thêm vào đó cộng với việc Cẩn thương nhớ mẹ già không người chăm sóc, thương hai anh đã bị hạ sát một cách dã man nên bệnh đã nặng lại càng nặng thêm. Hầu như Ngô Đình Cẩn không thể đi lại được, những thứ tiếp tế ở ngoài vào cho Cẩn thường chỉ có trầu cau là được nhận, còn đồ ăn, thức uống mười phần bị vứt đi chín, nhiều lúc Ngô Đình Cẩn bị ngất lịm tưởng chết luôn trong Khám Chí Hòa.

Ngày 30/1/1964, tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm lại làm một cuộc đảo chính và bắt giam các tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân. Cuộc đảo chính không hề có một tiếng súng nhưng lại có một người chết đó là đại úy Nguyễn Văn Nhung, người đã dùng dao đâm chết Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trong xe bọc thép. Nhung bị chuẩn tướng Nguyễn Chánh Thi treo cổ ngay trong trại lính dù Hoàng Hoa Thám. Và tất nhiên cái chết của Nhung được thông báo rằng “do lo sợ bị trừng phạt nên đã treo cổ tự tử”.

Làm đảo chính xong, Nguyễn Khánh tự xưng là Chủ tịch Hội đồng quân đội cách mạng, kiêm Tổng tư lệnh quân đội Việt Nam Cộng hòa và kiêm luôn chức Thủ tướng chính phủ. Ngay sau khi nắm quyền, Khánh cho thiết lập Tòa án quân sự đặc biệt đem Phan Quang Đông và Ngô Đình Cẩn ra xét xử. Phan Quang Đông là cánh tay đắc lực của Ngô Đình Cẩn, được giao nhiệm vụ phụ trách tình báo, bắt giam và thủ tiêu các cán bộ Cộng sản và kể cả những người đối lập. Phiên tòa xử Phan Quang Đông diễn ra 3 ngày tại Huế, và ngày 28/3/1964, Đông bị kết án tử hình, bị tịch thu toàn bộ tài sản và bồi thường 18 triệu đồng cho các nạn nhân bị hắn sát hại.

Trung tuần tháng 4/1964 thì Tòa án quân sự đặc biệt mở phiên tòa xét xử Ngô Đình Cẩn tại Huế. Mặc dù trời mưa, nhưng từ 7h sáng trước cửa tòa án đã có hàng ngàn người đứng chật cả sân để xem tòa xét xử như thế nào. Ông Lý Nhân (tức Phan Kim Thịnh) cũng là người có mặt từ phút đầu tiên trong số gần 40 nhà báo trong và ngoài nước được cấp giấy theo dõi phiên tòa. Mọi người hồi hộp chờ đợi và hầu hết đều mong giây phút “hung thần miền Trung” xuất hiện nhưng chẳng thấy gì cả.

Mãi đến 9h mới nghe tiếng ông chánh thẩm truyền lệnh giải bị cáo Ngô Đình Cẩn ra tòa. Và ngay lập tức phía ngoài ầm lên tiếng hô “Đả đảo hung thần Ngô Đình Cẩn”. Nhưng cũng chẳng thấy Ngô Đình Cẩn xuất hiện, thế rồi có viên sĩ quan đến nói nhỏ vào tai ông chánh thẩm... Ông chánh thẩm ngồi im lặng hồi lâu rồi tuyên bố tòa vào phòng để nghị án. Và nửa giờ sau mọi người nhận được thông báo là tòa đình xử án. Hóa ra sau mới biết, chính quyền Nguyễn Khánh thay đổi quyết định đưa Ngô Đình Cẩn về xét xử tại Sài Gòn.

Ngày 16/4/1964, từ lúc 7h30’, dân chúng đã đứng dày đặc trước cửa tòa án nằm trên đường Công Lý (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Khoảng 8h thì đoàn xe cảnh sát đi môtô hộ tống một chiếc xe chở tù nhân tới, dân chúng ở ngoài hô “Đả đảo Ngô Đình Cẩn” rền vang. Xe chở tù áp sát vào cửa tòa án, và Ngô Đình Cẩn mặc quần áo bà ba trắng được hai hiến binh dìu vì Cẩn không đi được.

Phiên tòa xét xử Ngô Đình Cẩn hôm đó gồm những người sau đây: Lê Văn Thu, Chánh thẩm; đại tá Nguyễn Văn Chuân, đại tá Đặng Văn Quang, đại tá Trương Văn Chương và trung tá Dương Hiếu Nghĩa là phụ thẩm. Phụ thẩm nhân dân gồm có: Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Sửu và Bùi Văn Nhu. Trưởng lý là Nguyễn Văn Đức; Lục sự là Nguyễn Văn Tâm và luật sư bào chữa cho Ngô Đình Cẩn là Võ Văn Quan.

Ngô Đình Cẩn không đứng được nên được tòa cho ngồi trước vành móng ngựa. Kể ra tướng Nguyễn Khánh cũng là kẻ khá thâm nên đã đưa những người mà trước đây đã từng ra luồn vào cúi Ngô Đình Cẩn, chịu ơn mưa móc gia đình họ Ngô như Đặng Văn Quang tham gia phiên tòa xét xử. Trưởng lý Nguyễn Văn Đức đã buộc tội Cẩn là ra lệnh cho các công an viên bắt cóc, tống tiền thủ tiêu nạn nhân...

Còn trong bài bào chữa của mình, luật sư Quan yêu cầu phải đưa ra những hồ sơ, công văn chứng minh rằng Ngô Đình Cẩn đã chỉ huy đội ngũ tay chân thực hiện những vụ tàn sát người vô tội. Với một số người được gọi ra tòa với tư cách nhân chứng thì ông luật sư Quan nói thẳng thừng: “Những người được gọi là nhân chứng đây, họ là ai? Họ là những nhân viên công an bị dính líu trong vụ bắt gián điệp Pháp. Rồi để chạy tội cho chính mình, dĩ nhiên họ phải đổ lỗi cho sự quyền uy của anh em tổng thống, và họ đã phải làm những gì họ đã làm để tránh cho được bản án...

Mấy nhân chứng này là những người tráo trở, lật lọng quý tòa không thể tin vào lời nói của họ được, họ đã từng khúm núm xưng con với người đang bị xét xử đây, họ đã từng nịnh bợ đủ cách để xin xỏ ân huệ. Ngày xưa họ luồn cúi bao nhiêu thì sau cuộc đảo chính họ càng a dua mạt sát, chà đạp những người cũ để mong khỏa lấp quá khứ gian nịnh và lập công với chế độ mới...”.

Rồi luật sư Quan cảm thán: “Âu cũng là thói đời đen bạc, lắm kẻ đua nhau phù thịnh, mấy ai đã dám phù suy... sự bội nghĩa của họ tồi tệ đến nỗi khiến họ mặc cảm đối với bị cáo. Trong phòng xử này mỗi lần chạm phải cái nhìn hờn trách của ông Cẩn, họ đã phải hổ thẹn, quay mặt đi chỗ khác. Vậy lời khai của những người gọi là nhân chứng này, lời khai của những người tráo trở, vong ân, bội nghĩa muốn đổ trách nhiệm cho ông Cẩn để mong thoát khỏi số phận như của Phan Quang Đông - lời khai đó có tin được hay không? Hỏi tức là trả lời.

Tóm lại với danh vị cố vấn chỉ đạo, ông Cẩn chỉ có quyền cho ý kiến về đường lối chính trị. Và đó chỉ là ý kiến, không có hiệu lực ràng buộc gì hết. Do đó, nếu chủ trương như ông Ủy viên chính phủ đã nói rằng, ông Cẩn ra lệnh cho công an viên bắt bớ, giam cầm, tra tấn, tống tiền, bức tử nạn nhân tức là đi ngược lại văn từ phân minh...”. Rồi luật sư xin quý tòa tuyên tha bổng cho bị can.

Tuy nhiên, khi ra ngoài phiên tòa, luật sư Quan nói với các nhà báo rằng: “Tôi thừa biết không bao giờ có một bản án tha cho Ngô Đình Cẩn”. Còn Ngô Đình Cẩn khi được nói trước tòa lần cuối đã thong thả khẳng định rằng mình vô tội, vì mình không có quyền để ra lệnh cho các công an viên làm những việc phi pháp. Ngô Đình Cẩn không van xin cầu khẩn nửa lời. Phiên tòa hôm đó xét xử từ sớm cho đến đêm khuya đã tuyên án xử tử Ngô Đình Cẩn. Khi tòa tuyên án xong, hai cảnh sát xốc nách đưa ông Cẩn ra xe về Khám Chí Hòa. Trước khi lên xe ông Cẩn còn ngoái lại nhìn luật sư Quan như muốn nói lời cảm ơn.

Ngay hôm sau, luật sư Quan đã làm một đơn xin ân xá mang vào Khám Chí Hòa cho ông Cẩn, vì luật sư nghĩ rằng còn nước thì cứ tát. Sau này, luật sư Quan thuật lại cuộc gặp gỡ với Ngô Đình Cẩn như sau: “Khi nói chuyện với tôi, ông Cẩn vẫn bình tĩnh. Ông nắm tay tôi và nói rằng, tôi không ngờ luật sư biết trước rằng sẽ thua mà vẫn tận tâm và can trường biện hộ cho tôi suốt mấy tiếng đồng hồ. Cám ơn luật sư lắm. Luật sư đã nói giùm tôi sự tức giận của tôi đối với bọn vong ân phản phúc, như vậy tôi cũng mãn nguyện lắm rồi”.

Ngô Đình Cẩn đọc lại lá đơn xin ân xá do luật sư Quan thảo và dứt khoát không chịu ký vì biết cũng vô ích mà thôi. Nhưng luật sư Quan để hoàn thành nhiệm vụ biện hộ của một luật sư cho thân chủ đã cố gắng thuyết phục Ngô Đình Cẩn ký vào lá đơn.
 
Theo Nguyễn Như Phong
Petrotimes