1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Vụ xe Camry tông chết 3 người: “Truy trách nhiệm” của chiếc xe màu đen

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng, chiếc xe ô tô màu đen dừng, đỗ ngược chiều trên phố Ái Mộ là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng 3 người chết, xảy ra sáng ngày 29/2. Ghi nhận của PV Dân trí, hai đầu phố Ái Mộ không có biển báo cấm dừng, đỗ.

Liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người tử vong trên phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) sáng 29/2, những ngày qua có rất nhiều ý kiến bàn luận về chiếc xe ô tô màu đen xuất hiện trên đoạn đường xảy ra tai nạn. Hình ảnh từ camera giám sát của người dân cho thấy, chiếc xe 4 chỗ màu đen dừng đỗ bên trái phần đường của mình, ngược chiều di chuyển của xe.

Chiếc xe Captiva lưu thông đến đoạn đường trên phải lấn một phần sang phần đường ngược chiều để tránh chiếc xe đen. Cùng lúc, xe Camry vọt lên trên xe Captiva với tốc độ cao, gây ra vụ tai nạn kinh hoàng.

Chiếc xe 4 chỗ màu đen dừng đỗ ngược chiều. (Ảnh cắt ra từ clip)
Chiếc xe 4 chỗ màu đen dừng đỗ ngược chiều. (Ảnh cắt ra từ clip)

Theo dõi những hình ảnh trên, có ý kiến cho rằng chiếc xe màu đen là nguyên nhân gián tiếp gây ra vụ tai nạn thương tâm, cần phải truy trách nhiệm đối với người dừng, đỗ xe.

Tuy nhiên nhận định về vụ việc, luật sư Trần Anh Dũng (Công ty luật Đại Phúc) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thảm khốc là do người lái xe Camry đã đi xe với tốc độ cao, khi vượt xe đi cùng chiều không quan sát kỹ chướng ngại vật hai bên đường nên không kịp tránh những người tham gia giao thông khác, dẫn đến tai nạn liên hoàn.

Theo luật sư Trần Anh Dũng, chiếc xe ô tô màu đen đang dừng, đỗ bên trái chiều xe chạy đã vi phạm điểm b, khoản 2 Điều 18 Luật giao thông đường bộ, cụ thể: “Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình”

Ông Dũng cũng cho rằng, nếu cần thiết thì cơ quan chức năng có thể tiến hành điều tra, xem xét trách nhiệm của người điều khiển chiếc xe ô tô màu đen đã dừng, đỗ trái quy định.

Ghi nhận của PV Dân trí, hai đầu phố Ái Mộ không có biển báo cấm dừng, đỗ.

Đồng quan điểm với luật sư Trần Anh Dũng, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia luật và Liên danh (Đoàn Luật sư Hà Nội) - cho rằng, cần phải xử phạt tài xế chiếc xe 4 chỗ màu đen vì đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hành vi đỗ xe ngược chiều.

Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, để có căn cứ xử phạt đúng lỗi đối với tài xế xe màu đen, cần phải theo dõi diễn tiến sự việc qua camera giám sát, từ đó có thể xác định là chiếc xe trên đang dừng hay đang đỗ. Theo đó, nếu chiếc xe trên đang dừng, lái xe sẽ bị xử phạt hành chính từ 300.000 đến 400.000 đồng theo quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 5 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP: “Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m…”.

Trường hợp xác định chiếc xe trên đang đỗ ngược chiều, tài xế sẽ bị xử phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 3 điều 5 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP: “Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m…”.

Thông tin về vấn đề xác định trách nhiệm của người điều khiển chiếc xe ô tô màu đen dừng, đỗ ngược chiều, Thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó trưởng Công an quận Long Biên - khẳng định, cơ quan điều tra đang xác minh, nếu có căn cứ sẽ xử lý.

Tài xế xe Camry có thể phải chịu mức án đến 15 năm tù giam

Theo phân tích của luật sư Tạ Anh Tuấn, hành vi của lái xe gây tại nạn làm chết 3 người được coi là hành vi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự. Điểm a, mục 3, Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, nêu rõ “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là hành vi làm chết từ 3 người trở lên”.

“Như vậy, đối chiếu quy định này, hành vi của lái xe gây tai nạn thuộc vào khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự có mức hình phạt tù 15 năm tù giam. Ngoài ra, lái xe phải bồi thường dân sự cho gia đình bị hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.” - luật sư Tuấn nhận định.

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm