1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Vụ xăng pha aceton: Người tiêu dùng đành chịu thiệt!

Một lượng lớn xăng pha aceton đã bán ra thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Từ sự việc đó đặt ra câu hỏi: quyền lợi người tiêu dùng đã thật sự được các nhà sản xuất, kinh doanh tôn trọng và được pháp luật bảo vệ?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Mộng Hùng - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM về vấn đề này. Ông Hùng cho biết: Người tiêu dùng luôn lo ngại trước những hành vi làm ăn bất chính, đong đo thiếu, bán các loại hàng hóa và dịch vụ kém chất lượng hơn so với tiêu chuẩn qui định hay quảng cáo quá sự thật...

Trong thực tế, tôi có thể nói rằng hằng ngày một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng luôn phải đối mặt với những hành vi như vậy.

Hội chưa thể mạnh hơn

 

Mỗi năm chúng tôi tiếp nhận trên 200 khiếu nại của người tiêu dùng. Chúng tôi là chiếc cầu nối để các bên liên quan ngồi lại với nhau, cùng nhau giải quyết thỏa đáng, có tình có lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhau trên cơ sở các qui định của pháp luật.

 

Có đến 96-97% trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng được giải quyết thỏa đáng, có tình có lý... Đấy là niềm vui của những người làm công tác xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui rất lớn ấy, hiện nay ban chấp hành hội đa số là những người đã già yếu. Đây là điều rất trăn trở. Một điều nữa là kinh phí duy trì hoạt động của hội rất khó khăn.

Đơn cử như bán một kilôgram trái cây hay các loại thực phẩm nhưng thực tế người mua chỉ “cầm” có 700-800 gram. Mảng đo lường tại các chợ, kể cả một số siêu thị... từ nhiều năm nay, các cơ quan quản lý chưa có những biện pháp để giám sát, kiểm soát, giải quyết rốt ráo.

Rất nhiều người tiêu dùng đành bó tay trong thua thiệt. Còn về chất lượng các loại hàng hóa thì như một biển trời mênh mông, thực tế người tiêu dùng đang “bơi” trong thế giới các loại hàng hóa mà thật giả khó nhận biết, đạt chất lượng hay không thì cũng chào thua. Ví dụ như gần đây nổi lên chất lượng mặt hàng xăng dầu, người tiêu dùng cho là “có vấn đề về chất lượng”.

Nhưng nếu nhìn bằng mắt thường thì làm sao biết được chất lượng, biết được chỉ số octan có đạt 92 (loại xăng A92) hay 95 (loại xăng A95) không; còn nhà kinh doanh có pha thêm chất gì khác thì cũng không thể nhận biết được.

Nhiều người tiêu dùng rất ngại đến các cơ quan quản lý để khiếu nại bởi thủ tục hành chính còn nhiều rắc rối, trong khi cánh cửa tòa án thì... cũng mất nhiều thời gian khi đã vào cuộc tranh tụng. Có lẽ vì vậy nên họ “đành bó tay trong thua thiệt” như ông vừa nói?

Tôi cho rằng trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà luật pháp đã qui định là chưa đầy đủ. Thực tế ai cũng thấy điều này. Hàng giả, hàng dỏm, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn... có thể nói là đang lưu thông nhiều trên thị trường, ở lĩnh vực nào cũng có.

Trong khi đó, khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý thì rất hạn chế. Còn đối với người tiêu dùng, không phải ai cũng có đủ khả năng để nhận biết các loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng khi mua hàng.

Đối với hàng hóa thối rữa, mốc meo..., bằng cảm quan, con người có thể nhận biết được và không chọn mua. Nhưng những trường hợp hàng hóa chứa các độc tố chẳng hạn thì làm sao bằng mắt thường có thể nhận biết được, mà phải phát hiện chúng bằng các thiết bị chuyên dùng.

Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong những trường hợp này, tôi nghĩ rằng không ai khác chính “ông nhà nước” phải làm, phải có trách nhiệm.

Nhưng ông cũng đã nghe thấy “ông nhà nước” luôn than thở: người ít, kinh phí hạn hẹp, trong khi hàng hóa và dịch vụ thì như một “biển trời mênh mông”...

Tôi nghĩ nếu có quyết tâm và có cách làm khoa học thì vẫn có thể kiểm soát được (tất nhiên không phải là 100%). Còn nếu cứ viện lý do ít người, không làm xuể... thì bao giờ mới làm được!

Khi phát hiện vi phạm nên phạt nghiêm, công khai và minh bạch thông tin cho người tiêu dùng biết, đừng sợ mất lòng. Tôi tin rằng làm như thế sẽ góp phần lập lại trật tự trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như đo lường, bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

Có làm như vậy thì các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ mới ý thức được trách nhiệm rất lớn đối với khách hàng của họ.

Theo Quốc Thanh
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm