1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ tranh chấp khách sạn tại Sa Pa (Lào Cai): Người lao động mong sớm trở lại làm việc

Đang mùa du lịch nhưng Khách sạn Đỉnh Cao ở Sa Pa vẫn phải đóng cửa vì tranh chấp, trong khi không chỉ du khách cần phòng nghỉ mà nhiều cán bộ, công nhân viên khách sạn đều mong khách sạn sớm hoạt động trở lại.

Đỉnh cao của việc tranh chấp là sự việc xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 11-5 vừa qua, 30 nhân viên khách sạn cùng nhiều du khách đang lưu trú tại Khách sạn Đỉnh Cao (Summit Sapa Hotel) đã bị nhiều người đàn ông lạ mặt ép ra khỏi khách sạn.

Điều hành Khách sạn Đỉnh Cao từ năm 2008 là Công ty TNHH MTV Mai Anh, thuê nhà đất của bà Trịnh Lan Phương, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội để kinh doanh dịch vụ khách sạn. Tuy nhiên gần đây, người em trai ruột của bà Phương là Trịnh Hoài Nam nhiều lần đòi quyền lợi tại thửa đất và khách sạn.

Vụ tranh chấp khách sạn tại Sa Pa (Lào Cai): Người lao động mong sớm trở lại làm việc




Biên bản làm việc đề ngày 13-5-2015 của Công an thị trấn Sa Pa ghi rõ: “Đề nghị những người không có trách nhiệm và quyền lợi ra khỏi khu vực Khách sạn Đỉnh Cao (nơi xảy ra tranh chấp) để Công ty Mai Anh trở lại hoạt động bình thường". Song đến nay, khách sạn vẫn bị đóng cửa.

Ông Trần Văn Trường, Trưởng công an huyện Sa Pa, cho biết: “Khi Công an huyện nhận được thông tin có nhóm người lạ mặt xuất hiện ở Khách sạn Đỉnh Cao, chúng tôi đã yêu cầu ông Nam và một số người không có quyền lợi liên quan phải rút ngay và họ đã rút ngay ngày hôm sau. Ông Nam “nằm” ở đấy là để đề nghị chính quyền giải quyết tranh chấp”.

Bà Trịnh Lan Phương trình bày về sự việc: Đầu năm 2004, bà cùng ông Phạm Công Minh, ở thị xã Cam Đường (Lào Cai) cùng nhận chuyển nhượng chung một thửa đất diện tích 518m2 (hiện là nơi đang tranh chấp) tại thị trấn Sa Pa để cùng đầu tư xây dựng Khách sạn Đỉnh Cao. Ngày 30-3-2005, UBND huyện Sa Pa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) số AB494152 cho ông Phạm Công Minh (nay đã mất) và bà Trịnh Lan Phương. Khi đang xây dựng phần thô khách sạn, do kinh tế khó khăn, gia đình ông Minh bán lại toàn bộ tỷ lệ góp vốn (khoảng 30%) cho bà Phương. Sau đó, ông Minh và bà Phương làm thủ tục chuyển nhượng. Ngày 26-9-2005, UBND huyện Sa Pa cấp lại GCN QSDĐ số AB494065 mang tên bà Trịnh Lan Phương. Đến năm 2010, bà Phương làm thủ tục sang tên toàn bộ thửa đất cho con gái là Phạm Mai Anh và được UBND huyện Sa Pa cấp GCN QSDĐ số BA 867658.

Trong suốt quá trình giao dịch, sang tên, cấp GCN QSDĐ, ông Trịnh Hoài Nam không có ý kiến gì về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên gần đây, ông Nam lại có đơn khiếu nại, khởi kiện về việc cấp GCN QSDĐ đối với khu đất trên với chứng cứ duy nhất mà ông Nam trình báo cơ quan chức năng là Giấy chuyển quyền sử dụng đất. Nội dung tài liệu này ghi: ông Phạm Công Minh đồng ý chuyển phần quyền sử dụng thửa đất (chung quyền sử dụng cùng bà Phương) trên cho ông Nam. Tài liệu này được ông Phạm Tiến Lập, Chủ tịch UBND thị trấn Sa Pa xác nhận.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Hà Nội): Ngày 17-6-2013, Tòa án nhân dân huyện Sa Pa tiến hành lập Biên bản xác minh (nguyên đơn khởi kiện là ông Nam) ghi rõ: “Hồ sơ lưu trữ tại UBND thị trấn Sa Pa không thể hiện việc ông Phạm Công Minh và ông Trịnh Hoài Nam chuyển nhượng quyền sử dụng đất được UBND thị trấn Sa Pa vào sổ theo dõi và xác nhận”. Mặt khác, tại thời điểm năm 2005, chuyển quyền sử dụng đất phải được tiến hành thông qua thủ tục công chứng, việc Chủ tịch UBND thị trấn xác nhận là không đúng thẩm quyền, không có giá trị pháp lý. Hơn nữa, cùng thời điểm năm 2005, chính ông Lập là người hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên QSDĐ thửa đất nói trên cho bà Phương thì không lý gì ông Lập lại ký tiếp giấy xác nhận sang tên thửa đất cho ông Nam. Cùng với đó, thửa đất đứng tên bà Phương, giấy chuyển quyền sử dụng đất cũng mang tên bà Phương mà việc chuyển nhượng bà không hề hay biết, không có chữ ký là vô lý.

Ngày 20-2-2013, UBND tỉnh Lào Cai có Công văn số 76/UBND-NC chỉ đạo UBND huyện Sa Pa thu hồi và hủy bỏ GCN QSDĐ số AB494065 cấp cho bà Trịnh Lan Phương ngày 26-9-2005 và GCN QSDĐ số BA867658 cấp cho bà Phạm Mai Anh ngày 8-12-2010 do cấp sai quy định. Đồng thời, khôi phục lại GCN QSDĐ số AB494152 mang tên ông Minh-bà Phương để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Như vậy, mặc dù ông Minh đã mất, nhưng UBND tỉnh Lào Cai vẫn yêu cầu khôi phục lại quyền sử dụng đất cho ông.

Ngày 23-1-2015, UBND huyện Sa Pa ban hành các quyết định hủy các GCN QSDĐ trên.

Ngay sau đó, bà Phương đã hoàn thiện hồ sơ gửi UBND huyện Sa Pa (thông qua bộ phận một cửa) đề nghị cấp lại GCN QSDĐ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng đến nay gần nửa năm trôi qua, UBND huyện vẫn chưa thực hiện và có trả lời cho bà Phương.

Về vấn đề này, sau khi nhận phản ánh của báo chí, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa đã xác minh qua bộ phận một cửa và thừa nhận, bà Phương đã nộp hồ sơ. Song theo ông Trịnh Xuân Trường: “Đến nay chưa cấp lại GCN QSDĐ theo chỉ đạo của tỉnh là do phía ông Nam có đơn khiếu nại”.

Sự việc tranh chấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của khách sạn đã kéo dài gần một tháng, hàng chục lao động tại đây và nhiều công ty lữ hành đã ký kết hợp đồng với khách sạn mong muốn tranh chấp sớm được giải quyết để khách sạn trở lại hoạt động bình thường. Đề nghị chính quyền huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai sớm chỉ đạo, giải quyết dứt điểm vụ việc.

Theo Duy Phong - Ngọc Hoàng
 Báo Quân đội nhân dân