1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ thầy bắt học sinh thụt dầu 100 lần: Cần một quyết định khoan dung

Hôm nay, ông Võ Hải Bình và đại diện Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có mặt tại phiên tòa phúc thẩm để nghe phán quyết cuối cùng sau hơn 20 ngày Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM hoãn phiên tòa để hai bên thỏa thuận lại.

Trả giá nặng nề

 

Giờ toán ngày 19/11/2009, học sinh L.A.T (lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 - TPHCM) cười nói và đùa giỡn trong lớp học. Thầy giáo Bình quyết định ghi vào sổ đầu bài nhưng các em học sinh đề nghị thầy cho phạt hình thức khác. A.T tự nguyện thực hiện 100 cái thụt dầu thay cho việc bị ghi vào sổ đầu bài và dù thầy Bình đồng ý tha, A.T vẫn thực hiện hết. Sau đó, A.T bị chấn thương, viêm cứng hai cơ đùi, phải nhập viện. Biết tin, thầy Bình tỏ ra hối hận, đã đến thăm, xin lỗi học sinh và gia đình.

 

Sự việc được báo chí lên tiếng, dư luận tỏ ra bất bình đối với hành động phản sư phạm của thầy Bình. Nhưng sau khi bình tâm xem xét, đã có rất nhiều ý kiến cảm thông, chia sẻ, cho đó là hành vi bộc phát nhất thời, không phải là cố ý, ác tâm và đề nghị xem xét sự cống hiến suốt 30 năm qua cho bao thế hệ học sinh của người thầy giáo rất tận tâm này.

 

Dư luận càng lên đến đỉnh điểm khi ngày 18/12/2009, Sở GD-ĐT TPHCM có quyết định buộc thôi việc đối với thầy Bình vì “vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự nghề giáo; xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh có tính hệ thống; năng lực tổ chức quản lý lớp học yếu; thiếu trung thực trong việc cung cấp thông tin và nhìn nhận khuyết điểm; vi phạm các hành vi giáo viên không được làm”. Một quyết định có thể rất đúng lý, không sai pháp lệnh cán bộ công chức và “nhằm chấn chỉnh kỷ cương trường lớp” như lời người đứng đầu Sở GD-ĐT TPHCM đã nói.

 

Nhưng cũng không thể phủ nhận một sự thật, đó cũng là một quyết định cạn tình đồng nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến tâm trạng của không ít giáo viên bởi đây không đơn thuần là xử lý đối với một công chức mà là một nhà giáo - nghề luôn được xã hội kính trọng và đề cao. Nước mắt của các cựu học sinh, những lời can ngăn chí tình xin Sở GD-ĐT TPHCM rút lại quyết định đã ban cũng nhiều, tiếc là mọi việc vẫn không thay đổi.

 

Phán quyết công bằng

 

Không đồng ý với quyết định này, ông Bình kiên trì khiếu nại và buộc phải khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy bỏ quyết định buộc ông thôi việc, phục hồi công tác cho ông đồng thời bồi thường danh dự và các thiệt hại khi ông bị buộc thôi việc.

 

Tháng 9/2010, TAND TPHCM xử sơ thẩm nhận định việc ông Bình cho rằng tự học sinh nhận hình phạt thụt dầu nên ông không có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh như quy chế nhà trường quy định là không thể chấp nhận.

 

Bởi học sinh không tự ý thụt dầu mà chọn hình thức này để không bị ghi tên vào sổ đầu bài và sự tự nguyện này được ông Bình chấp nhận nên ông phải có trách nhiệm. Từ những phân tích trên, HĐXX nhận thấy quyết định buộc thôi việc đối với ông Bình là có căn cứ, đúng pháp luật nên bác các yêu cầu của ông Bình. Ngay sau đó, ông Bình kháng cáo.

 

Tại phiên phúc thẩm ngày 26/11, ông Bình không thừa nhận sai phạm, cho rằng quyết định buộc thôi việc đối với ông là quá khắt khe. Tuy nhiên, khi được HĐXX tận tình phân tích, ông Bình đã nhận ra sai phạm, đồng ý viết đơn thừa nhận khuyết điểm, nhận một hình thức kỷ luật nhẹ hơn và mong muốn được tiếp tục công tác.

 

Quay về phía đại diện Sở GD-ĐT, vị thẩm phán khéo léo phân tích cần xem lại tính nhân văn của quyết định buộc thôi việc vì điều đó rất hệ trọng, ảnh hưởng đến cuộc đời của người thầy có nhiều tuổi nghề.

 

HĐXX mong muốn Sở GD-ĐT có thể đưa ra một hình thức kỷ luật nhẹ hơn, có tình hơn, nhất là khi người sai phạm đã nhận ra lỗi của mình. “Nếu chỉ căn cứ vào pháp luật để phán quyết thì không khó nhưng liệu đó có phải là cách tốt nhất đối với cả hai bên?” - vị thẩm phán trầm ngâm. Trước những nỗ lực rất tâm huyết của tòa, đại diện VKSND cũng đồng tình bởi “sai phạm của ông Bình chưa đến mức nghiêm trọng để đưa ra hình thức kỷ luật nặng buộc thôi việc”.

 

Vậy là, quyếtđịnh “tha hay không tha” được tòa kỳ vọng và tin tưởng trao cho Sở GD-ĐT TPHCM. Tất nhiên, để có thể đi đến một quyết định cuối cùng thật không dễ dàng nhưng người ta vẫn tin vào sự khoan dung, nhân ái giữa những người thầy, vả lại điều đó cũng phù hợp với truyền thống bao đời nay của người Việt Nam: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, đoàn lậut sư TPHCM: Ngoài là lý song trong là tình

 

Phán quyết của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao mang đậm tính nhân văn khi cho hai bên thương lượng để người làm sai tự nhận thức cái sai và người quản lý rút quyết định có phần khắt khe đối với đồng nghiệp của mình.

 

Đây là một phán quyết công bằng cho cả hai bên và là một nguyên tắc trong tố tụng dân sự cũng như xét xử, nhất là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục, văn hóa...

 

Vấn đề cuối cùng là Sở GD-ĐT TPHCM sẽ lựa chọn như thế nào để có quyết định vừa mang tính nhân văn vừa khiến cho người sai phạm tâm phục khẩu phục, như đại thi hào Nguyễn Du đã viết “Ngoài thì là lý song trong là tình”. 

 

Theo Tố Trâm

 Người lao động