1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ sập hầm thuỷ điện: Thêm cảnh báo về chất lượng công trình xây dựng

(Dân trí) - Dù xảy ra vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân mắc kẹt, “hút chết”, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vẫn nhận định, năm 2014, việc quản lý chất lượng công trình đã tốt hơn hẳn với kết quả giảm được 15% các sự cố, vấn đề phát sinh so với các năm trước…

Chặn lãng phí qua hoạt động tiền kiểm
Vụ sập hầm thuỷ điện: Thêm cảnh báo về chất lượng công trình xây dựng
Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của ngành Xây dựng được tổ chức với điểm cầu tại các tỉnh, thành.

Ngày 16/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014 với các tỉnh thành. Phát biểu từ điểm cầu Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt nhắc lại sự cố sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng và nhận định, may mắn sự cố đã được khắc phục tích cực, không gây thiệt hại về người với sự hỗ trợ toàn diện của Trung ương. Ông Việt bày tỏ cảm kích về việc Bộ trưởng Xây dựng đã trực tiếp tới hiện trường vụ sập hầm ngay ngày hôm sau để chỉ đạo tại chỗ phương án cứu hộ nhóm công nhân mắc kẹt, huy động, điều tiết, đốc thúc quá trình cứu hộ.

Bộ xây dựng cũng giao Thứ trưởng Lê Quang Hùng cùng đại diện Cục giám định túc trực thường xuyên, liên tục suốt quá trình giải cứu các công nhân. Chỉ đạo tích cực của lãnh đạo Bộ đã góp phần đưa tới thành công sớm cho công tác cứu hộ.
 
Trình bày thêm về vấn đề quản lý chất lượng công trình trong suốt năm, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, 2014 số sự cố, vấn đề phát sinh giảm 15% so với các năm trước. Điều đó thể hiện tác dụng tích cực của các chính sách, văn bản siết quản lý chất lượng đã triển khai áp dụng trong năm.

Quy định về thẩm tra thiết kế kỹ thuật cũng giúp cắt giảm để tiết kiệm được tổng cộng 130 tỷ đồng. Quá trình thẩm tra hồ sơ thiết kế công trình, Sở Xây dựng Lâm Đồng thấy được những lỗi thường gặp trong thẩm tra để rút kinh nghiệm thực hiện.

Chủ tịch Đoàn Văn Việt kiến nghị Bộ Xây dựng trong năm 2015 hỗ trợ tỉnh sớm hoàn thành lập quy hoạch với tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và các tuyến lân cận mà Thủ tướng đã đồng ý chủ trương đầu tư để giúp thu hút vốn cho dự án. Ông Việt phân tích, đến Lâm Đồng có 2 hướng đường bộ và đường hàng không.  Trong năm 2014, có 4,8 triệu khách du lịch đến Đà Lạt thì số khách bay đến chỉ dừng ở con số 400.000 người . Điều đó có nghĩa, chủ yếu và quan trọng nhất với tỉnh vẫn là đường bộ. Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, theo đó, sẽ là điểm đột phá cho thành phố du lịch với khả năng rút ngắn thời gian từ TPHCM đến Đà Lạt chỉ còn khoảng 4 giờ chạy xe.

Tán thành những phân tích, đánh giá của Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, địa phương đã cắt giảm được bình quân 10% vốn đầu tư cho các công trình nhờ hoạt động thẩm tra thiết kế kỹ thuật. Hiệu quả hoạt động này mang lại rất rõ ràng khi qua thẩm tra, cơ quan quản lý cũng phát hiện nhiều sai phạm về định mức, đơn giá xây dựng công trình. Tỉnh này đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, thắt chặt đơn giá xây dựng trong năm 2015.

Thông tắc cho doanh nghiệp xây dựng
Vụ sập hầm thuỷ điện: Thêm cảnh báo về chất lượng công trình xây dựng
Bộ trưởng Xây dựng: "2105 sẽ dành sự chú ý đặc biệt vào các công trình hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi, giao thông".

Báo cáo, kiến nghị của đại diện các đô thị, thành phố lớn trong hội nghị hướng vào nội dung phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

GĐ Sở xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục nêu thực tế, năm 2014, thành phố buộc phải dừng nhiều dự án để tránh hình thành những vùng quy hoạch treo. Thành phố không gặp vấn đề lớn với khu vực nhà ở thương mại vì mặt hàng này hiện vẫn dư cung, đòi hỏi đặt ra là ở khu vực nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.

Ông Dục cho biết, trong năm, Hà Nội đã rà soát được hơn 500 dự án chung cư, xác định số hàng tồn đọng là 2.500 nhà cao tầng, hơn 1.500 nhà ở thấp tầng. Lượng tồn kho như vậy còn khá lớn dù đã có nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ được triển khai.

Việc chuyển đổi dự án từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, ông Dục thông tin, 41 dự án đã được xem xét cho chuyển đổi, hiện đã triển khai được 60%, góp phần kéo giảm lượng bất động sản tồn kho. GĐ Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách cho chuyển đổi này gắn với việc kiểm soát chặt chẽ, không cho phép những chủ đầu tư không đủ năng lực được chuyển hoặc nếu đã được chấp nhận nhưng chậm trễ trong việc triển khai cũng sẽ cương quyết thu hồi.

GĐ Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cũng nêu con số khả quan, năm 2014, thành phố tạo thêm được 8,3 triệu m2 sàn nhà ở nâng diện tích nhà ở bình quân của thành phố lên 16,9 m2/người.

Thành phố cũng tập trung cho chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sinh viên… Đến Tết nguyên đán tới đây, sẽ có khoảng 3000 căn nhà ở xã hội đưa vào khai thác, trong đó 30% thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách. Tuy vậy, ông Tuấn vẫn nhận định, kết quả đó vẫn còn là hạn chế, còn chậm, cần nỗ lực hơn thời gian tới.

Thành phố lớn nhất cả nước cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có việc triển khai cho vay trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Hạn mức tín dụng đã tăng, tính đến 31/12/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay  gần 1.900 tỷ đồng, đã giải ngân 1.140 tỷ, góp phần tích cực giải qyết nhà ở cho người thu nhập thấp,  giải quyết tồn kho bất động sản.

Vị  GĐ Sở này nhẩm tính, năm 2015, khoảng 50% dự án đủ điều kiện triển khai, nếu đồng loạt thực hiện thì vốn dồn vào lĩnh vực này tới 30.000 tỷ đồng. Nhận định đây là một dấu hiệu tốt cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản đã dần khôi phục nhưng ông Tuấn cũng lo lắng vấn đề kiểm soát sao để đảm bảo mục tiêu chống thất thoát, lãng phí.

Đại diện một doanh nghiệp trong ngành xây dựng – Tổng GĐ Tcty 789 (Bộ Quốc phòng) Nguyễn Quốc Dũng nhận xét, với 3 luật mới (luật Xây dựng, luật Nhà ở sửa đổi, luật Kinh doanh bất động sản), những vướng mắc về thể chế các nhà thầu gặp phải đang dần được tháo gỡ. Những điểm tắc trong quy định về sửa chữa thiết kế, nghiệm thu, thanh quyết toán… khiến thời gian giải quyết kéo dài, chi phí tăng, đội giá đầu tư, ảnh hưởng chất lượng công trình… cơ bản được xử lý.

Quy định về tiền kiểm qua khâu thẩm tra thiết kế kỹ thuật đã khắc phục được vấn đề hồ sơ thiết lế kém chất lượng, sự cố công trình… Đây là yếu tố rất quan trọng để giúp nhà thầu giải quyết tốt thủ tục, từ lập, triển khai dự án đến thi công, quản lý sử dụng.

Quy định chủ đầu tư phải chuẩn bị đủ vốn triển khai dự án cũng khiến các doanh nghiệp phấn khởi , yên tâm vì điều đó có nghĩa chỉ cần tập trung thi công, đảm bảo làm xong sẽ được thanh toán sòng phẳng. Việc phân định phương thức quản lý khác nhau với các nguồn vốn khác nhau cũng giúp thuận lợi hơn trong công việc của nhà thầu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng lưu ý, nhiệm vụ của ngành Xây dựng trong năm 2015 và những năm tiếp theo còn rất nặng nề. Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2015 là năm tập trung vào chất lượng công trình, lấy chất lượng làm số một (cả chất lượng an toàn và chất lượng sử dụng). Bộ sẽ dành sự chú ý đặc biệt tới các công trình hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi, công trình giao thông…

P.Thảo