Lâm Đồng:
Vụ sập hầm thủy điện: Chuyện của người đứng chờ trước cửa hầm
(Dân trí) - Đầu giờ chiều 19/12, vài giờ trước khi 12 công nhân được giải cứu, tất cả mọi người tại hiện trường chẳng ai biết thông tin gì. Bà Vân rất rối bời, niềm hy vọng đang cạn dần thì bỗng chốc bà thấy phía cửa hầm hỗn loạn, tiếng la hét, tiếng khóc náo động cả một vùng...
Anh Nguyễn Anh Tuấn là một trong 12 công nhân bị “nhốt” hơn 80 giờ dưới hầm thủy điện Đạ Đâng - Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Từ những ngày đầu anh Tuấn gặp nạn, bác của anh là bà Dương Thị Vân (45 tuổi, trú thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thay mặt người thân túc trực ở hiện trường nắm thông tin để điện về báo về cho họ hàng ở Hà Tĩnh.
Người thân đã chờ đợi như thế nào?
Đầu giờ chiều 19/12, vài giờ trước khi 12 công nhân được giải cứu, tất cả mọi người tại hiện trường chẳng ai biết thông tin gì. Bà Vân cùng người nhà các nạn nhân như ngồi trên đống lửa, ruột gan cồn cào khi niềm tin vào sự sống của 12 công nhân mắc kẹt bên trong đang cạn dần.
Báo chí cứ vây lấy bà nhưng bà không chia sẻ gì nhiều, đó cũng là điều dễ hiểu bởi tâm can bà đang rối bời. Bà liên tục gọi điện về Hà Tĩnh để báo cho người nhà Tuấn về tình hình cứu hộ, cứu nạn, không ngừng trấn an họ. Theo thông tin khi đó, cuộc giải cứu 12 công nhân mắc kẹt dự báo có thể diễn ra vào đêm 19 hoặc rạng sáng 20/12. Nhưng khi bóng chiều chưa tắt thì hiện trường bỗng chốc hỗn loạn vì lực lượng cứu hộ bất ngờ cáng công nhân bị nạn ra khỏi hầm.
Tiếng la hét, tiếng khóc của thân nhân 12 công nhân và những người tại hiện trường đã làm chấn động cả vùng. Đó là tiếng khóc của sự vui sướng, hạnh phúc để giải phóng bao âu lo, hoang mang dồn nén trong họ hơn 80 giờ đồng hồ. Khi thấy con em mình còn động đậy, bằng xương bằng thịt nằm trên cáng, người nhà nạn nhân lao tới nhưng lực lượng chức năng đã ngăn họ lại.
Đó là giây phút hạnh phúc nhất mà bất kỳ ai chứng kiến khó lòng ngăn được cảm xúc, vui mừng. Mọi người ùa đến bắt tay lực lượng giải cứu đã “tái sinh” 12 nạn nhân.
Những giây phút sau đó, 2 trại dã chiến của Lữ đoàn Công binh 293 – Bộ tư lệnh Công binh ngập tràn hò reo, tiếng hát, tiếng cười. Những công binh dũng cảm đào hầm giải cứu 12 nạn nhân ra được bế lên trên đôi bàn tay của hàng chục chiến sỹ “ném” lên, hạ xuống hàng chục lần!
“Đoàn tụ với gia đình, tôi mừng đến phát khóc…!”
Trưa ngày 22/12, 11/12 công nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đã được cho xuất viện về nhà sau khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng kết thúc việc kiểm tra y tế lần cuối.
Bác sỹ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, cho biết nạn nhân nữ duy nhất là chị Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Nghệ An) sẽ giữ lại một ngày nữa để kiểm tra và đánh giá thêm. Tuy nhiên, bác sỹ Hy cho biết hiện chị Ngọc cũng đã hoàn toàn bình phục, có thể chị sẽ được xuất viện vào ngày 23/12 sau cuộc kiểm tra y tế tòan diện.
Sau khi ra viện, 11 công nhân có người trở lại công trường để thu xếp đồ đạc, thăm hỏi các đồng nghiệp. Có người về quê ở miền Bắc, cũng có người ghé nhà người thân tại Lâm Đồng để nghỉ ngơi ít ngày.
Hiện bố của công nhân Nguyễn Anh Tuấn đã đi máy bay vào Lâm Đồng để chăm sóc và cùng con trở về quê. Ngay sau khi ra viện, anh Tuấn không trở về quê ngay mà ghé nhà bác ở thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng) nghỉ ngơi. Chia sẻ với PV Dân trí, anh Tuấn cho biết sau khi được các bác sỹ tận tình chăm sóc, điều trị sức khỏe của anh về cơ bản đã bình phục, ổn định.
Sau hơn 80 giờ đồng hồ giành giật sự sống dưới lòng đất, trở về đoàn tụ với người thân, gia đình, anh Tuấn rưng rưng nói: “Tôi cảm thấy vui mừng đến phát khóc, không biết nói sao! Tôi dự định ở lại Lâm Đồng ít hôm rồi mới về Hà Tĩnh. Tôi sẽ về quê phụ giúp gia đình, chứ chưa có kế hoạch gì mới”.
Bà Dương Thị Vân, bác của Tuấn phấn khởi chia sẻ: “Gia đình rất vui sướng vì cháu như từ cõi chết trở về! Tình cảm của nhân dân cả nước dành cho các nạn nhân mấy ngày qua đã làm người thân chúng tôi rất xúc động. Không biết nói gì hơn, chúng tôi chỉ biết cảm ơn tất cả sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, lực lượng chức năng và nhân dân cả nước. Sau khi cháu về đến nhà, gia đình làm mâm cơm để anh em liên hoan, chung vui, chúc mừng cháu”.
Viết Hảo