1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ phạm nhân lên Facebook: Hé lộ mảng tối sáng của đời sống tù nhân

Quá trình xác minh đã xác định phạm nhân Nguyễn Đức Hùng được em trai lập hộ tài khoản Facebook để sử dụng.

Ở trong trại giam vẫn có thể dùng điện thoại di động, thậm chí sử dụng cả mạng 3G để lướt Facebook. Câu chuyện khó tin nhưng có thật này đang gây xôn xao dư luận. Vụ việc xảy ra tại trại giam Tân Lập tại tỉnh Phú Thọ, do Bộ Công an quản lý đã đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lí phạm nhân trong các trại giam hiện nay, hé lộ nhiều mảng tối sáng của đời sống tù nhân mà xã hội còn chưa biết tới.

 

Đại tá Phan Xuân Sơn làm khách mời Chương trình Điểm hẹn 17h của VOV
Đại tá Phan Xuân Sơn làm khách mời Chương trình Điểm hẹn 17h của VOV

 

Để giải đáp nhiều băn khoăn của dư luận, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Đại tá Phan Xuân Sơn, Cục trưởng Cục quản lý phạm nhân, trại viên - Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an).

 

PV: Thưa Đại tá, vụ việc phạm nhân Nguyễn Đức Hùng ở trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ, do Bộ Công an quản lí mang điện thoại vào phòng giam rồi sử dụng mạng xã hội Facebook đã được tiến hành điều tra và xử lí như thế nào?

 

Đại tá Phan Xuân Sơn: Nhu cầu được tiếp nhận, trao đổi chia sẻ thông tin của con người là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu đó, pháp luật về thi hành án hình sự quy định phạm nhân được nghe đài, được xem tivi, được đọc sách báo, nói chuyện điện thoại với thân nhân trong nước 1 tháng/lần không quá 5 phút, việc này được tổ chức giám sát chặt chẽ.

 

Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại di động như trường hợp phạm nhân Nguyễn Đức Hùng là trái pháp luật, vi phạm nội quy trại giam, để lại những dư âm xấu, phản tác dụng giáo dục. Nội quy trại giam quy định cấm phạm nhân sử dụng và đưa vào trại giam những loại máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, vũ khí, chất độc, chất nổ, ma túy, đồ vật có thể gây nguy hại cho người khác; cấm phạm nhân liên lạc điện thoại, gửi thư, nhận quà; không gặp, tiếp xúc với người ngoài khi chưa được phép của giám thị.

 

Về vụ việc ngày 5/9/2014 trên một số trang báo điện tử đăng tải thông tin, hình ảnh của một nam thanh niên tự nhận đang cải tạo trong tù đang nghe điện thoại, xăm trổ, có biểu hiện đang sử dụng ma túy trong trại giam. Tổng cục 8 (Bộ Công an) đã chỉ đạo Trại giam Tân Lập, đồng thời cử đoàn cán bộ của Tổng cục lên Trại giam Tân Lập xác minh. Qua quá trình xác minh, đã làm rõ phạm nhân Nguyễn Đức Hùng sinh năm 1991, nơi đăng ký thường trú là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội phạm tội hủy hoại tài sản, môi giới mại dâm, cướp tài sản; bị bắt ngày 24/8/2011, bị phạt tù 15 năm 6 tháng, có 3 tiền án đến trại giam Tân Lập chấp hành án từ ngày 8/6/2012; phạm nhân này đã nhiều lần vi phạm quy định của trại giam và bị kỷ luật, bị chuyển từ phân trại 1 sang phân trại 2. Đây là đối tượng đã lén lút cất giấu và sử dụng điện thoại di động trái phép, chụp hình ảnh một số phạm nhân đưa lên mạng facebook sáng 3/9/2014.

 

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Trại giam Tân Lập đã khẩn trương tiến hành, đấu tranh khai thác với phạm nhân Nguyễn Đức Hùng vừa xử lý kỷ luật phạm nhân Hùng và một số phạm nhân khác có liên quan. Đồng thời tiến hành tổng kiểm tra lục soát, thu giữ một chiếc điện thoại Samsung. Phạm nhân Nguyễn Đức Hùng đã khai nhận vào khoảng tháng 5/2014, phạm nhân Hùng đã nhờ em trai là Nguyễn Đức Hà đang ở Ninh Hiệp, Gia Lâm Hà Nội lập một tài khoản Facebook mang tên Nguyễn Đức Hùng để sử dụng.

 

Kỷ luật, nội qui trong các trại giam, đặc biệt là các trại giam do Bộ Công an quản lí rất chặt chẽ, nghiêm minh. Vậy tại sao vẫn để lọt trường hợp Nguyễn Đức Hùng ngang nhiên sử dụng điện thoại di động lướt Facebook trong trại giam? Công tác điều tra đã xác định được thiếu sót nằm ở khâu nào, trách nhiệm thuộc về ai, thưa Đại tá?

 

Việc đưa điện thoại vào trại giam cũng như các hiện tượng thẩm lậu ma túy vào trại giam có rất nhiều nguyên nhân. Những trường hợp sử dụng điện thoại không nhiều, nhưng việc phát hiện và bắt giữ khá nhiều trường hợp đưa điện thoại di động thậm chí cả ma túy vào trại giam. Chúng tôi đã xem xét vấn đề này và thấy có một số nguyên nhân như sau:

 

Thứ nhất, phạm nhân khi vào trại hầu hết họ chấp hành quy định pháp luật và hối lỗi để hướng thiện. Tuy nhiên cũng có không ít đối tượng, đặc biệt đối tượng có nhiều tiền án tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, tội phạm nguy hiểm có tổ chức vẫn thể hiện thái độ chống phá rất quyết liệt, có nhiều hành vi vi phạm nội quy trại giam như cất giấu vật cấm. Hành vi cất giấu của họ rất tinh vi, đa số các trường hợp phát hiện được là phạm nhân nuốt ma túy vào bụng, hay giấu điện thoại trong hậu môn, rất khó kiểm soát.
 

Thứ hai, công tác quản lý giáo dục của Việt Nam lấy mục đích giúp họ trở thành người có ích, thấy được giá trị của lao động nên pháp luật quy định phạm nhân vào trại giam phải lao động. Có những người lao động trong xưởng, trong rào vây, nhưng cũng có những người được đưa ra ngoài – đây là cơ hội tốt để họ có thể liên lạc, móc nối với nhiều người có thể đưa các vật cấm vào trại giam.

 

Đại tá Phan Xuân Sơn

Đại tá Phan Xuân Sơn

 

Thứ ba, gần đây tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, một số đối tượng muốn cấu kết với phạm nhân trong trại để đưa ma túy và điện thoại di động vào bán trong trại với nhiều thủ đoạn rất tinh vi.

Thứ tư, không phải gia đình phạm nhân nào cũng phối hợp tốt với trại giam để tổ chức quản lý giáo dục. Có gia đình thậm chí “giấu” điện thoại di động, ma túy, vật cứng vào các túi quà, trong thức ăn, nước uống, bánh kẹo… để gửi vào cho con em họ. Đặc biệt như trường hợp của phạm nhân Nguyễn Đức Hùng, chính em trai Hùng đã mở tài khoản trên Facebook để phạm nhân có điều kiện vi phạm.

 

Thứ năm, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc đề rò kim loại, hỗ trợ các chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ cũng còn hạn chế để có thể phát hiện kịp thời những vật lạ, đặc biệt ma túy.

 

Thứ sáu, trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ có lúc có nơi trong quá trình kiểm tra, kiểm soát làm không kỹ dẫn tới có thể bỏ lọt những vật cấm vào trại giam.

 

Ngoài vi phạm mang điện thoại di động vào trại giam, dư luận còn rất quan tâm đến những bức ảnh chụp đời sống sinh hoạt của của các phạm nhân ở trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ được đăng tải lên Facebook của Nguyễn Đức Hùng. Trong đó có những bức ảnh chụp các phạm nhân xăm trổ cho nhau và đặc biệt là có bức ảnh chụp rồi chú thích là đang hít ma túy. Thưa Đại tá Phan Xuân Sơn, vậy cơ quan công an đã làm rõ chuyện này chưa? Có thật là phạm nhân được phép vô tư xăm trổ cho nhau và thậm chí còn hít ma túy như vậy hay không?

 

Về hình ảnh phạm nhân đang hút thuốc chúng tôi đã xác minh rất kỹ đó là điếu thuốc lào do phạm nhân tự chế bằng chai nhựa, phạm nhân ngồi vân vê thuốc lào chứ không phải sử dụng ma túy. Hình ảnh phạm nhân đang xăm trổ là đúng nhưng phạm nhân đã chụp từ trước đó rồi tải lên mạng. Nội quy trại giam không cho phép các phạm nhân tự xăm trổ lên người mình, đây là hành động vi phạm nội quy và đã xử lý kỷ luật.

 

Được biết, các đối tượng nghiện ma túy đang cải tạo tại trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ chiếm tới 70% vì vậy việc xử lý triệt để việc sử dụng ma túy là vấn đề rất phức tạp. Từ thực tế ở trại giam Tân Lập, liệu việc sử dụng ma túy có xảy ra ở cả những trại giam khác trong cả nước hay không, thưa Đại tá?

 

Việc cai nghiện ma túy và quản lý các phạm nhân là rất khó khăn. Chúng ta tiếp cận với các phạm nhân như những đối tượng mắc bệnh mạn tính, đối xử với họ như người bệnh. Trong các biểu hiện của các phạm nhân này thường có các biểu hiện như rối loạn tâm thần, hành vi, hành động quấy phá của họ nhiều khi tăng lên gây khó khăn cho các giám thị trại giam. Hiện tượng đưa lên Facebook không phải do phạm nhân sử dụng ma túy tuy nhiên vẫn có hiện tượng phạm nhân đưa ma túy vào trại giam, thực tế đã bắt giữ rất nhiều vụ. Ngoài trại giam Tân Lập, tại trại giam số 3 năm 2011 đã bắt giữ và khởi tố một số phạm nhân đưa ma túy vào trại giam.

 

Một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm đó là có hay không sự phân biệt đối xử giữa các phạm nhân trong tù. Cách đây không lâu, dư luận cũng từng xôn xao trước bức ảnh chụp các phạm nhân xăm trổ đầy mình ở trong tù nhưng được ăn cơm với thịt gà, thịt bò... Khi đăng tải lên Facebook, một số người thắc mắc, chủ nhân Facebook cũng là nhân vật trong bức ảnh này trả lời: “Không phải anh được thưởng, mà ở trong này chỉ có anh và vài anh em nữa mới được như thế thôi...”. Đại tá Phan Xuân Sơn có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

 

Hình ảnh đăng trên Facebook của phạm nhân Nguyễn Đức Hùng (Ảnh: Dân trí)

Hình ảnh đăng trên Facebook của phạm nhân Nguyễn Đức Hùng (Ảnh: Dân trí)

 

Có thể khẳng định, theo quy định của pháp luật, phạm nhân hay trại viên đều có quyền bình đẳng như nhau, có nghĩa vụ như nhau. Tuy nhiên, trong quy định về chế độ chính sách, việc phạm nhân được nhận quà tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của mỗi phạm nhân, gia đình nào có điều kiện thì gửi nhiều. Do đó không phải phạm nhân nào cũng có mức độ thụ hưởng như nhau. Tuy nhiên chính sách của Nhà nước là như nhau.

 

Chúng tôi có thể khẳng định, hình ảnh đưa trên mạng không phải là trong trại giam mà đó là hình ảnh của trại viên ở Cơ sở giáo dục Thanh Hà đang ăn Tết nên mới có nhiều thức ăn như vậy, còn chế độ phạm nhân không được như thế.

 

Thưa Đại tá Phan Xuân Sơn, sau vụ việc phạm nhân Nguyễn Đức Hùng dùng điện thoại di động trong trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ, tới đây, Bộ Công an có kế hoạch rà soát và chấn chỉnh tại các trại giam trên toàn quốc hay không?

 

Về vấn đề chống thẩm lậu ma túy và điện thoại di động vào trong trại giam, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo rất quyết liệt, thực hiện nhiều chương trình, hội nghị để bàn về vấn đề này. Trên thực tế cũng đã có hiệu quả. Các giải pháp đồng bộ đã được thực hiện từ góc độ pháp luật, phong trào quần chúng, các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường khám xét; Chúng tôi cũng đã làm việc với Tổng cục Bưu điện Việt Nam để quản lý từ việc gửi quà, phải đúng thân nhân của phạm nhân có chứng minh đầy đủ nên đã hạn chế được tình trạng thẩm lậu. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định ngăn chặn được hoàn toàn trong tình hình hiện nay khi hành vi của các đối tượng ngày càng tinh vi phức tạp.

 

Được biết, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Luật tạm giam, tạm giữ. Trong đó có đề xuất phân loại giam giữ đối với người chưa phân biệt giới tính và cấp báo Nhân dân hoặc báo địa phương cho phạm nhân, tổ chức cho phạm nhân nghe Đài phát thanh, xem một số chương trình truyền hình… Đại tá có thể thông tin rõ hơn về nội dung và mục đích của Dự thảo này?

 

Hiện Bộ Công an đang được giao dự thảo Luật này. Công ước quốc tế về quyền dân chủ Việt Nam tham gia ký kết cho nên trong Dự thảo Luật Tạm giam tạm giữ, phải đảm bảo các quyền cơ bản nhất không bị pháp luật tước bỏ, đó là quyền được chăm sóc sức khỏe… Những tư tưởng nhân văn đó cũng đã được đưa vào nội dung dự thảo luật để bảo đảm các quyền lợi chính đáng, đồng thời giữ gìn trật tự kỷ cương và đảm bảo thực hiện tốt quyền con người, thực hiện tốt yêu cầu giáo dục để trả lại cho xã hội những công dân có ích.

 

Xin cảm ơn Đại tá!

 

Theo PV
VOV