1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ người dân "phong tỏa" bãi rác: Cả huyện ngập rác

(Dân trí) - Suốt nửa tháng không được thu gom, rác thải ùn ứ khắp nơi trên địa bàn huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi). Rác phân hủy phát sinh dòi bọ gây ô nhiễm nặng tại các khu dân cư khiến người dân bức xúc.

Rác thải ùn ứ gây nhiễm

Như Dân trí đã phản ánh, đầu tháng 7/2018, bãi rác Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) gây ô nhiễm nên người dân đã chặn xe chở rác. Bãi rác bị "phong toả" khiến 1.500 tấn rác thải của TP. Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành ùn ứ hơn 1 tuần.

Trước tình thế đó, tỉnh Quảng Ngãi phải mở cửa bãi rác Đồng Nà (xã Tịnh Thiện, TP. Quảng Ngãi) để "giải cứu" rác thải. Tuy nhiên, bãi rác Đồng Nà chỉ đủ năng lực tiếp nhận lượng rác thải trên địa bàn TP. Quảng Ngãi. Vì vậy, lượng rác thải của 3 địa phương còn lại, đặc biệt là tại huyện Tư Nghĩa tiếp tục ùn ứ.

Trên tuyến quốc lộ 1A chạy qua 2 địa bàn trọng điểm của huyện Tư Nghĩa là thị trấn La Hà và thị trấn Sông Vệ đâu đâu cũng thấy rác. Rác được dồn bao chất đống bên vệ đường, vứt bừa bãi xuống đồng ruộng và các dòng sông gây nên tình trạng ô nhiễm.

Đống rác thải nằm ngay trong chợ Sông Vệ đã phân hủy mạnh gây nhiễm
Đống rác thải nằm ngay trong chợ Sông Vệ đã phân hủy mạnh gây nhiễm

Vụ người dân "phong tỏa" bãi rác: Cả huyện ngập rác - 2

Tại chợ Sông Vệ, một đống rác thải lớn đã phân hủy mạnh bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nước rỉ rác chảy tràn ra lối đi, lẫn trong nước rác là dòi bọ lúc nhúc. Ngay bên cạnh đó là hoạt động buôn bán tấp nập khiến người dân lo lắng dịch bệnh sẽ phát sinh.

Ông Nguyễn Văn Nam (thị trấn Sông Vệ) cho biết, đống rác tại chợ Sông Vệ ùn ứ gần nửa tháng nay nên bốc mùi hôi thối ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Không chịu nổi mùi hôi nên người dân phải mua bạt che tạm nhưng cũng không mấy hiệu quả.

"Chính quyền phải có giải pháp giải quyết lượng rác thải này nếu không sẽ gây ra dịch bệnh. Rác trong chợ phân hủy rất nhanh nên ô nhiễm không chịu được. Không lẽ để chúng tôi phải sống chung với tình cảnh này", ông Nam bức xúc.

Rác dồn đống trước cửa nhà, bắt đầu phân hủy nên người dân phải tìm cách xử lý. Và điểm đến của số rác thải này là những cánh đồng trống hoặc dòng sông.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy (thị trấn La Hà), ở địa bàn các xã, người dân có thể tự xử lý rác tạm thời, còn ở địa bàn thị trấn sát quốc lộ với dân cư đông đúc thì đành chịu. Vì vậy một số người dân dồn rác vào bao tải rồi tìm địa điểm cách xa nhà để vứt.

"Rác thì ngày nào cũng có mà nửa tháng nay không có người thu gom. Chúng tôi chỉ còn cách là mua bao tải về dồn thật chặt rồi cột miệng bao lại để ngoài đường. Làm cách này cũng chỉ được một vài bữa chứ để lâu hôi lắm. Không biết bao giờ rác mới được thu gom cho chúng tôi nhờ", bà Thủy nói.


Bao lớn bao nhỏ rác còn bị tống xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước

Bao lớn bao nhỏ rác còn bị tống xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước

Trước tình trạng rác ùn ứ, UBND huyện Tư Nghĩa đã có văn bản "cầu cứu" UBND tỉnh cho phép huyện này thu gom và đưa rác về bãi rác Đồng Nà. Tuy nhiên, với lý do năng lực tiếp nhận rác thải của bãi Đồng Nà hạn chế nên UBND tỉnh Quảng Ngãi đã từ chối.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa phải tìm nơi đổ tạm chờ đến khi nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ hoàn thành. Chỉ đạo này khiến UBND huyện Tư Nghĩa rơi vào "thế bí" khi rác đưa đến đâu cũng bị người dân phản đối, trong khi nhà máy xử lý rác đến 15/9 mới hoàn thành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, mỗi ngày trên địa bàn huyện Tư Nghĩa phát sinh khoảng 10 tấn rác thải, lượng rác ùn ứ nhiều nhất tại thị trấn Sông Vệ và thị trấn La Hà.

Tình trạng rác thải ùn ứ suốt một thời gian dài đã gây ô nhiễm tại các khu dân cư. Tuy vậy, chính quyền địa phương hiện "bó tay" vì không có điểm chứa rác tạm thời.

"Chúng tôi đã tìm rất nhiều địa điểm nhưng cứ đưa rác đến là người dân xung quanh lại phản đối vì sợ việc chứa rác thời gian dài gây ô nhiễm. Lượng rác thải ùn ứ ngày càng nhiều nhưng đến thời điểm này huyện vẫn chưa thể giải quyết được", bà Lan cho biết hiện huyện vẫn đang tìm giải pháp.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm