1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ móc túi, đâm người trên xe buýt: Phải xử lý hình sự và xử lý được

(Dân trí) - Sau khi 3 đối tượng móc túi và đâm người trên xe buýt được thả, dư luận hết sức bức xúc về cách giải quyết của cơ quan công an. Một số luật sư và chuyên gia luật đã lên tiếng phản ứng trước cách giải quyết này.

Luật sư Vi Văn Diện, Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội): Đủ dấu hiệu truy cứu tội danh “cướp tài sản”
 
Việc móc túi, đâm bị thương người truy bắt trên xe buýt là rất nguy hiểm, đồng thời xâm hại đến hai khách thể được bộ luật hình sự bảo vệ đó là “quan hệ nhân thân” và “quan hệ tài sản”.
 
Quan điểm của tôi là nếu Cơ quan điều tra Công an quận Thủ Đức chưa làm sáng tỏ bản chất của vụ việc mà đã xử lý theo hướng trả tự do cho các đối tượng đã thực hiện những hành vi nêu trên là chưa bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong quá trình giải quyết, không thể hiện được tính răn đe, giáo dục đối với người có hành vi vi phạm nói riêng và làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật nói chung.
 
Vụ móc túi, đâm người trên xe buýt: Phải xử lý hình sự và xử lý được - 1
 
Luật sư Vi Văn  Diện (Ảnh: Anh Thế)
 
Việc xác định hành vi trộm cắp tài sản cần yếu tố định lượng, đó là khoản tiền trộm cắp phải đến 2.000.000 đồng. Nếu giá trị tài sản bị xâm hại chưa đến 2.000.000 đồng thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điều 138 Bộ luật hình sự.
 
Tuy nhiên, hành vi “gọi đồng bọn, dùng vũ lực chống trả người bị hại và những người truy bắt” đã khiến cho cả chuỗi hành vi của chúng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự. Trong lý luận khoa học pháp lý hình sự thì đây là trường hợp chuyển hóa tội phạm “từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản”.
 
Luật sư Trịnh Anh Dũng - Văn phòng Luật sư Trịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội:  Đã cấu thành tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”
 
Vụ móc túi, đâm người trên xe buýt: Phải xử lý hình sự và xử lý được - 2
 
Anh Chiêm đã bị đâm 3 nhát vào lưng vì ngăn cản hành vi bất chính.
 
Nói 2 đối tượng trong vụ này chưa đủ cơ sở cấu thành “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 104 BLHS là thiếu khách quan và không có cơ sở.
 
Tại Khoản 1 Điều 104 BLHS đã quy định rõ các điểm như dùng hung khí nguy hiểm; phạm tội nhiều lần với nhiều người; với người không có khả năng tự vệ; có tổ chức và có tính chất côn đồ.
 
Đối chiếu với quy định nêu trên, tuy tỉ lệ thương tích của các nạn nhân chưa đến 11%, nhưng do các đối tượng đã dùng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho nhiều người, hơn nữa, hành vi của các đối tượng có tính chất côn đồ và có dấu hiệu phạm tội có tổ chức, nên tôi khẳng định, hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 104 BLHS.
 
Vụ móc túi, đâm người trên xe buýt: Phải xử lý hình sự và xử lý được - 3
Các nạn nhân đang khai báo tại cơ quan công an.
 
Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật: Có thể khởi tố hình sự tội cướp tài sản
 
Hành vi của 2 đối tượng này thuộc tình tiết “đầu trộm đuôi cướp”. Giai đoạn đầu, ý chí của chúng là lén lút để trộm tài sản. Khi bị phát hiện, chúng rút dao đâm người để giải vây cho bản thân. Hành vi rút dao đâm người này cũng có mục đích nữa là quyết liệt chiếm đoạt số tiền nên phạm vào tội: “Cướp tài sản”.
 
Tuy các đối tượng chỉ trộm số tiền chưa đến 2 triệu nhưng trong quy định cấu thành tội “Cướp tài sản” thì không định lượng về số tiền là bao nhiêu mà chỉ cần xét đến khách thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác nhằm mục đích đoạt được số tài sản.
 
Trong vụ án này, kẻ cầm dao đâm người là phạm tội: “Cướp tài sản”, đối tượng còn lại là đồng phạm.
 
Điều cốt lõi vẫn là trách nhiệm của cơ quan điều tra
 
Sau khi báo Dân trí đăng bài, Ths luật Đỗ Văn Hào đã có bài viết phân tích chia sẻ với độc giả quan điểm về việc xử lý vụ việc trên.
 
Qua những thông tin trên Dân trí thì hoàn toàn có thể hiểu những bức xúc của công luận và bản thân tôi cũng thấy bức xúc với cách giải quyết của công an quận Thủ Đức. Lý do đưa ra là tang vật móc túi chưa đến 2 triệu đồng và gây thương tích chưa đến 11% để chỉ xử lý hành chính và trả về địa phương là không thuyết phục, thể hiện trách nhiệm chưa cao trong việc giải quyết vấn đề của cơ quan công an.
 
Chúng ta phải cùng nhau thống nhất vấn đề rằng, tình trạng móc túi trên các phương tiện giao thông, nơi công cộng đang là vấn đề nhức nhối đối với xã hội, gây tâm lý lo lắng cho dư luận và nhân dân, nhất là tình trạng “làm ăn” có tổ chức, chuyên nghiệp, thậm chí sẵn sàng xâm hại tính mạng, sức khỏe của những người dám chống lại chúng.
 
Trong vụ việc này, rõ ràng các đối tượng móc túi đã tỏ ra rất chuyên nghiệp, có tổ chức chặt chẽ, gồm nhiều đối tượng câu kết với nhau, hỗ trợ nhau khi có vấn đề xảy ra. Trong vụ việc này, hậu quả gây ra đối với hành vi móc túi là nhỏ, chỉ có 80.000 đồng, nhưng hành vi nghiêm trọng hơn là gây thương tích cho 2 người đi trên cùng tuyến xe và khống chế chúng. Như vậy, không vận dụng được việc xử lý hành vi trộm cắp. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xử lý hình sự được. Trong vụ này, dù thương tích có dưới 11% nhưng vận dụng điều 104 BLHS vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu rơi vào một trong các tình tiết tăng nặng định khung của khoản 1 điều này.
 
Hành vi của các đối tượng trong vụ án này có thể thỏa mãn 4 tình tiết tăng nặng: thứ nhất, các đối tượng dùng dao nhọn để đâm người, đó chính là một loại hung khí nguy hiểm, có thể gây sát thương nghiêm trọng, thậm chí có thể tước đoạt tính mạng chỉ với 1 nhát dao nếu đâm vào vị trí hiểm yếu trên cơ thể; thứ hai, các đối tượng móc túi đã đâm 3 nhát vào lưng 1 người và đâm 1 nhát vào đùi một người khác, như vậy hoàn toàn thỏa mãn dâu hiệu phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người (từ 2 người trở lên); thứ ba, các đối tượng gây thương tích nhằm chống trả quyết liệt người truy bắt, ra tay với thái độ và hành động nhanh chóng, dứt khoát, không cần suy nghĩ nhiều, với mục đích “răn đe” những người chống lại chúng và nhằm tẩu thoát, như vậy rõ ràng thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người khác; thứ tư, các đối tượng phạm tội với số đông (3 người), hoạt động trên tuyến này trong một thời gian dài, có câu kết, tổ chức chặt chẽ, phối hợp thống nhất với nhau trong việc hành hung người khác, chống trả người khác truy bắt mình, hoàn toàn có đủ dấu hiệu có tính chất tổ chức.
 
Như vậy, dù gây ra dưới 11% thương tích, nhưng các đối tượng này đã thỏa mãn nhiều tình tiết khác để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Tuy nhiên, khoản 1 điều 104 quy định chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Tất nhiên, tôi tin rằng không bị hại nào trọng vụ này không yêu cầu khởi tố nếu được cơ quan điều tra đặt vấn đề.
 
Quan trọng nhất, điều cốt lõi vẫn là trách nhiệm của cơ quan điều tra phải được đề cao.
 
Đỗ Văn Hào (Thạc sỹ luật)
 
Thế Cường - Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm