1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Vụ hồ tôm đầu độc môi trường: Những quyết định “giật mình” của huyện Nghi Xuân

(Dân trí) - Liên quan đến dự án nuôi tôm quy mô 2,5ha suốt nhiều năm xả thẳng chất thải ra môi trường gây ô nhiễm trầm trọng, chính quyền huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thanh minh rằng sở dĩ chỉ xử phạt 2 triệu đồng vì không phát hiện ra hành vi xả thải…

Cảnh hồ tôm của ông Nguyễn Viết Khánh xả thải ra môi trường

Không phát hiện hành vi xả thải!

Vụ hồ tôm đầu độc môi trường: Những quyết định “giật mình” của huyện Nghi Xuân - 1
Hàng ngàn khối nước thải tuồn thẳng ra môi trường như thế này, trong khi người dân phát hiện ra nhưng chính quyền lại không thấy
Hàng ngàn khối nước thải tuồn thẳng ra môi trường như thế này, trong khi người dân phát hiện ra nhưng chính quyền lại không thấy

Mặc dù huyện Nghi Xuân đã “giải quyết” xong vụ dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh ở xã Xuân Đan gây ô nhiễm môi trường bằng hình thức xử phạt hành chính số tiền 2 triệu đồng song người dân nơi đây vẫn chưa đồng tình.

Rất nhiều câu hỏi chưa được cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân trả lời thỏa đáng như căn cứ vào điều khoản nào mà UBND huyện Nghi Xuân đưa ra mức xử phạt quá nhẹ với số tiền chỉ 2 triệu đồng? Cơ quan chức năng đã điều tra, xác định có bao nhiêu khối nước thải chưa qua xử lý đã bị xả ra môi trường?...

Tiếp tục trả lời báo chí, ông Lê Hữu Phong, Phó Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra huyện đã xuống kiểm tra và lập biên bản đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh vì không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, huyện còn yêu cầu chủ hồ tôm phải khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để xây dựng hệ thống xử lý nước thải”.

“Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi chỉ phát hiện cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh không có hồ xử lý nước thải chứ không phát hiện hành vi xả thải. Với lỗi vi phạm này, theo quy định mức xử phạt tối đa là 1,5 – 2 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả”, ông Phong nói.

Vậy thì suốt 6 năm qua, lượng nước thải của dự án nuôi tôm này đã đi đâu? Người dân phát hiện ra hành vi xả thải gây ô nhiễm của dự án suốt nhiều năm qua thế nhưng chính quyền huyện Nghi Xuân lại không thấy.

Và một điều mâu thuẫn giữa chính quyền các cấp, trong khi ông Phan Trọng Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân) lại cho rằng tất cả sự việc liên quan đến dự án nuôi tôm đã được báo cáo lên cấp trên.

“Dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh xả thải gây ô nhiễm môi trường đã được xã báo cáo lên huyện, phòng tài nguyên, cảnh sát môi trường. Năm 2017, Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân về lập biên bản và đầu năm nay (2018) phòng cũng tiếp tục về. Trong tuần vừa rồi, chúng tôi cũng có xuống. Nước thải từ hồ tôm ra môi trường có mùi hôi, màu ngà đen, đặc. Và chúng tôi cũng đã có báo cáo lên cho huyện”, ông Tri cho biết.

Câu trả lời của vị Phó Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân khiến dư luận không khỏi “giật mình” và nghi ngờ có sự bao che cho sai phạm.

Một điều khá mập mờ, khó hiểu về việc tại sao chính quyền huyện Nghi Xuân không dám cung cấp văn bản xử phạt dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh?

“Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin để cơ quan báo chí biết được việc đó còn về mặt hồ sơ thì không thể cung cấp được. Hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình theo dõi, nếu có phát hiện vi phạm sẽ tiếp tục xử phạt”, ông Phong nói.

Tiếp tục cho mở rộng dự án

Hiện dự án đã mở rộng thêm gần 2ha
Hiện dự án đã mở rộng thêm gần 2ha

Liên quan đến dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh khiến dư luận đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bởi mới đây, sau khi xử phạt hành chính số tiền 2 triệu đồng, UBND huyện Nghi Xuân ngay lập tức cho phép dự án này mở rộng thêm diện tích thêm khoảng gần 2 ha.

Chiều ngày 3/10, ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, UBND huyện Nghi Xuân vừa có quyết định cho ông Nguyễn Viết Khánh thuê thêm đất để mở rộng dự án nuôi tôm

“Bây giờ thì hồ sơ thủ tục đầy đủ. Trước đây cũng nằm trong diện tích cho thuê nhưng vướng rừng phòng hộ nên thu hồi. Sau rà soát lại không phải rừng phòng hộ nên giờ cho thuê lại”, ông Hưng cho biết.

Việc phát triển kinh tế bất chấp pháp luật, xem thường môi trường dân sinh của ông Nguyễn Viết Khánh khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng. Và nỗi lo ấy càng hiện hữu hơn khi huyện Nghi Xuân lại tiếp tục cho mở rộng diện tích.

“Xử phạt 2 triệu đồng thì làm sao mà có tính răn đe. Họ làm ăn mà coi thường vấn đề môi trường, coi thường pháp luật mà giờ lại tiếp tục cho họ mở rộng. Chúng tôi thật sự rất lo lắng, thất vọng nhưng chẳng biết kêu ai nữa bởi 6 năm qua chúng tôi đã phản ánh rất nhiều rồi”, một hộ dân sống dân dự án nuôi tôm thất vọng nói.

Trước đó, Dân trí đã liên tiếp phản ánh dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh (xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan) triển khai từ năm 2012 với quy mô 6 hồ (mỗi hồ chứa khoảng 2.000 khối nước) với tổng diện tích 2,5ha nhưng lại không có hồ xử lý chất thải và trong nhiều năm qua cứ “thẳng tay” xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Và suốt thời gian qua, những người dân sống xung quanh dự án này đã phải sống khốn đốn vì ô nhiễm và phải đi kêu cứu các cơ quan chức năng.

Xuân Sinh