Đắk Nông:
Vụ hàng loạt nước giếng chuyển màu đen: Yêu cầu công ty hỗ trợ tiền mua nước sạch
(Dân trí) - Do có hành vi xả thải nước lẫn bột đá trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, công ty đá phải hỗ trợ tiền mua nước sinh hoạt cho người dân. Việc hỗ trợ này chỉ kết thúc sau khi có kết luận của cơ quan chức năng là nguồn nước đã an toàn.
Ngày 29/5, ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cho biết, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Thuận An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH SXTM đá Bazan Đắk Mil. Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu nước thải trộn với bột đá tại nhà máy để xét nghiệm mức độ độc hại.
Ngoài ra, trong khi chờ kết quả xét nghiệp mẫu nước, UBND huyện Đắk Mil đã yêu cầu Công ty TNHH SXTM đá Bazan Đắk Mil ngưng mọi hoạt động sản xuất để khắc phục việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước cho người dân ở thôn Thuận Bắc, xã Thuận An, huyện Đắk Mil.
Yêu cầu Công ty TNHH SXTM đá Bazan Đắk Mil phải phối hợp với chính quyền địa phương thống kê số hộ, mức độ thiệt hại để có phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ bị ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, Công ty TNHH SXTM đá Bazan Đắk Mil phải hỗ trợ mỗi hộ 60.000 đồng/ngày để mua nước sinh hoạt theo yêu cầu của các hộ dân và Ban tự quản thôn. Thời điểm hỗ trợ từ lúc bị ô nhiễm cho đến khi nguồn nước được xét nghiệm và đánh giá an toàn để sử dụng.
Trước đó Dân trí đã phản ánh, Hàng chục giếng nước ăn của người dân bỗng chuyển màu đen, bốc mùi không thể sử dụng. Người dân nghi ngờ, tình trạng trên xuất phát từ việc một hồ nước thải của nhà máy đá nằm ngay trên đình đồi.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng nước giếng bị đổi màu, người dân thôn Thuận Bắc đã phản ánh với đơn vị sản xuất đá Bazan và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc sản xuất của nhà máy đá Bazan chỉ dừng lại chiều ngày 20/5 vừa qua, khi gần 30 người dân của thôn Thuận Bắc tập trung trước cửa nhà máy phản đối việc xả thải và đề nghị ngưng sản xuất.
Riêng về lượng nước thải và bột đá, Công ty TNHH SXTM đá Bazan Đắk Mil đã trộn cùng đất và vôi bột, sau đó thuê một người dân dùng ô tô chở đi đổ "phi tang" nơi khác. Người này sau đó đã chở về đổ trên lô đất của mình, sát Quốc lộ 14, thôn Đức An, xã Thuận An. Khi đổ được 8 xe tải loại 2,5 tấn, người dân địa phương phát hiện và sợ bị ảnh hưởng đến nguồn nước nên đã phản đối, ngăn cấm không cho đổ đất nữa. Sau đó, khối lượng đất này lại được múc lên để đi đổ chỗ khác.
Dương Phong