Bình Dương:
Vụ góp vốn bằng 43ha “đất vàng”: Chưa được giao chủ quyền đã đem đất đi… liên doanh!
(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương lý giải, giai đoạn đó tỉnh Bình Dương chủ trương “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế nên cho phép các doanh nghiệp tiến hành liên doanh, mời gọi đầu tư khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Liên quan đến vụ góp vốn liên danh bằng việc chuyển nhượng 43ha đất tại Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt TCty Bình Dương, doanh nghiệp thuộc sở hữu của Tỉnh uỷ Bình Dương), dư luận đang quan tâm xung quanh việc khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng TCty Bình Dương đã mang góp vào liên doanh.
Trả lời PV Dân trí về lý do vì sao khu đất chưa được cấp GCNQSDĐ nhưng TCty Bình Dương đã liên doanh với đối tác? TCty Bình Dương có sai trong vụ việc này?
Ông Trần Nguyên Vũ, Tổng giám đốc TCty Bình Dương cho biết: “TCty Bình Dương đã trả tiền cho Ban quản lý Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương từ năm 2004 - 2005, tỉnh cũng có chủ trương giao đất ngay cho TCty nhưng việc thực hiện giao GCNQSDĐ bị chậm trễ, không đúng như cam kết trong hợp đồng đền bù. Lúc đó, tỉnh Bình Dương đã nhận tiền nhưng công tác đền bù giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục liên quan chưa hoàn thành, TCty Bình Dương phải gánh chịu thiệt hại tài chính trong giai đoạn này.
“Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong giai đoạn đó với chủ trương trải thảm đỏ, mời gọi nhà đầu tư để phát triển kinh tế của tỉnh nói chung trong đó có Khu liên hợp nên cho phép các doanh nghiệp được tiến hành liên doanh, mời gọi đầu tư khi chưa có GCNQSDĐ. Từ đó, TCty Bình Dương xin chủ trương của tỉnh để thành lập liên doanh và đã được Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý”, ông Vũ thông tin.
Theo lãnh đạo TCty Bình Dương, việc chưa được giao chủ quyền đã đem đất đi…liên doanh là do thời điểm đó tỉnh Bình Dương chủ trương mời gọi đầu tư nên cho phép các doanh nghiệp tiến hành liên doanh khi chưa có GCNQSDĐ.
Ông Vũ cho biết thêm: “Nếu xét ở khía cạnh quy định của pháp luật thì TCty Bình Dương sai về mặt quy trình. Tuy nhiên, đặc thù khu này đền bù từ năm 2005 nhưng đến năm 2010 tỉnh chưa cấp GCNQSDĐ cho doanh nghiệp được nên để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, tỉnh cho phép doanh nghiệp đi đầu tư, liên doanh. Từ chủ trương này của tỉnh, các nhà đầu tư trong Khu liên hợp Công nghiệp Đô thị - dịch vụ Bình Dương rộng 4.196 ha mới có thể kêu gọi đầu tư và đem lại diện mạo phát triển của khu này như hiện nay”.
“Trong sự việc này chúng tôi có thiếu sót là thực hiện việc chuyển giao quá chậm. Năm 2013 TCty Bình Dương được cấp GCNQSDĐ nhưng tới năm 2016 mới làm thủ tục chuyển nhượng đất cho liên doanh như các cam kết đã ký trong thoản thuận từ năm 2010”, ông Vũ trình bày.
Lãnh đạo TCty Bình Dương cho rằng, hiện dư luận nói TCty Bình Dương là công ty Nhà nước nên có đi vay để kinh doanh hay hình thành tài sản thì tất cả đều là “tài sản công”.
Tuy nhiên, nếu chiếu quy định của Luật doanh nghiệp, điều lệ, các quy định quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì vẫn có những điểm cho phép TCty Bình Dương được tự chủ kinh doanh với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn. Trong phần vốn để thực hiện đền bù có phần vốn tự có, đó là lợi nhuận tích góp qua các năm của TCty Bình Dương.
Khu đất 43ha nằm gần trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.
“Công ty được thành lập từ năm 1982 để làm kinh tế Đảng trong thời kỳ nền kinh tế Việt Nam còn khó khăn, nguồn vốn lúc ban đầu do công ty đi vay và kinh doanh có lợi nhuận để tự bổ sung vốn và phát triển quy mô như ngày hôm nay. Tỉnh ủy Bình Dương không dùng vốn Nhà nước hay tài sản công, đất đai để cấp vốn cho cho TCty. TCty Bình Dương hoạt động kinh doanh theo điều lệ và theo luật doanh nghiệp và được Tỉnh ủy giao chủ động trong các hoạt động kinh doanh”, ông Vũ chia sẻ.
Đối với việc góp vốn liên danh bằng 43ha đất, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Bình Dương khẳng định: “Chủ trương nhất quán xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy cho TCty Bình Dương thực hiện việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp 30% là bằng tiền, không phải là góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Ngày 10/10/2018, Thường trực Tỉnh ủy có Thông báo số 512 thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% góp vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú, để kiểm tra làm rõ quá trình góp vốn”.
Lãnh đạo TCty Bình Dương cho biết: “Hiện Tỉnh uỷ đang cho Thanh tra Nhà nước và các ngành vào kiểm tra vụ việc. Dù kết quả thế nào thì TCty cũng chấp hành chủ trương của tỉnh và tuân thủ pháp luật”.
Báo Dân trí tiếp tục thông tin.
Trung Kiên