1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ "động lắc” 189V Bùi Thị Xuân: Quán vô chủ?

(Dân trí) - Phiên tòa phúc thẩm vụ án "động lắc” 189V Bùi Thị Xuân đã được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vào ngày hôm qua, 6/7. Qua 2 ngày làm việc, đã sang đến phần tranh luận nhưng việc xét xử cuối cùng vẫn loanh quanh với những vấn đề <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/3/106949.vip"> chưa "ngã ngũ” từ phiên sơ thẩm </a>.

Bị cáo yêu cầu… ngược

Phần thẩm vấn bắt đầu với Đoàn Minh Hoàng - nhân viên điều chỉnh nhạc, ánh sáng và Trương Minh Đức - quản lý nhân sự và kinh doanh của quán bar 189V. Cũng giống như phiên tòa sơ thẩm, HĐXX vẫn “xoáy sâu” khai thác mục đích của 2 bị cáo trong việc "chỉnh ánh sáng đa màu sắc" và "âm thanh cường độ lớn".

Chứng cứ "âm thanh", "ánh sáng" chính là chứng cứ cơ bản mà cơ quan tố tụng bám vào để kết tội. Các cơ quan này cho rằng quán bar 189V đã sử dụng âm thanh, ánh sáng một cách bất bình thường để lôi kéo dân chơi đến quán dùng ma túy.

"Nếu không sử dụng thuốc lắc thì người bình thường sẽ tức ngực không thể chịu nổi cường độ âm thanh, ánh sáng ở đây" - Chứng cứ mơ hồ của "con nghiện" Đào Đức Phát đã khai trước đó rất chủ quan vẫn được HĐXX tập trung khai thác.

Trong vụ án "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" và "Sử dụng trái phép chất ma túy" tại "động lắc" 189V Bùi Thị Xuân, trước đó bị cáo Nguyễn Việt Đức bị toà sơ thẩm tuyên phạt 11 năm tù; hai bị cáo Nguyễn Thanh Ngà, Trương Minh Đức lãnh án 9 năm tù; các bị cáo Nguyễn Trọng Nhân Nghĩa, Đoàn Minh Hoàng bị tuyên phạt 8 năm tù giam; bị cáo Trần Đức Minh án 7 năm tù; bị cáo Đào Đức Phát án phạt 1 năm tù...

Nguyễn Thanh Ngà - một trong số những bị cáo "đầu vụ" được tập trung xét hỏi rất kỹ. Ngà vào làm ở bar 189V từ khi mới thành lập (5/4/2005) do Nguyễn Việt Đức tuyển dụng với mức lương 7 triệu/tháng. Nhưng cuối tháng 4, khi được "lên chức" trưởng phòng kinh doanh, trưởng cửa hàng thì lại do Giám đốc công ty Mai Thanh Phương ký bổ nhiệm.

Bị cáo Ngà cũng tỏ ra "bất lực" trước mọi "ngóc ngách" của công ty này. Ngà khai: "trên giấy tờ, công ty PTB có 3 thành viên trong HĐQT là Phương, Bắc và Trung, còn thực tế thì bị cáo không biết. Là trưởng phòng kinh doanh nhưng bị cáo chưa bao giờ trực tiếp kinh doanh, phụ trách nhân sự nhưng bị cáo cũng… chưa hề tuyển ai…"

HĐXX trở lại vấn đề "âm thanh, ánh sáng", bị cáo Ngà trả lời: "Bar 189V cũng giống như các vũ trường khác và bị cáo vẫn làm việc ở đó thường xuyên". Tuy nhiên tại cơ quan điều tra, Ngà khai là âm thanh lớn, nhiều khi không chịu được phải ra ngoài là vì khi đó đang có thai nên giữ gìn, tránh tiếp xúc nhiều.

Chủ tọa đã hỏi rất nhiều lần về việc Ngà thấy nghi ngờ khách sử dụng ma túy tại quán, đã thông báo với công an quận Hai Bà Trưng. Bị cáo gắt: "Tôi đề nghị HĐXX không nên nhắc đi nhắc lại về việc khách có sử dụng ma túy trong quán hay không, vì tôi đã nói nhiều lần tôi chỉ nghi ngờ việc này, chưa hề nhìn tận mắt bao giờ và có bất kỳ điều gì bất thường tôi đều đã báo cáo hết với anh Tuấn công an quận".

Bị cáo không phải là… giám đốc

Từ khi khởi tố vụ án cho đến lúc kết thúc phiên tòa sơ thẩm, dư luận đã băn khoăn nhiều về việc giám đốc công ty cổ phần đầu tư dịch vụ thương mại PTB - ông Mai Thanh Phương - lại đứng ngoài cuộc trong khi cả loạt nhân viên vướng vòng lao lý.

Bị cáo Nguyễn Việt Đức, đến giờ được coi là người giữ vai trò quản lý, điều hành toàn bộ bar 189V tự chứng minh: Bị cáo chỉ là bạn của Phương, giới thiệu nhân viên cũ của mình cho bar 189V và thường xuyên có mặt ở đây vì có quyền lợi liên quan mà thôi.

Theo bị cáo Đức, toàn bộ số thiết bị âm thanh, ánh sáng ở bar 189V là đồ cũ của quán 25 Ngô Văn Sở do Đức làm chủ bán lại. Đức và Phương đã thỏa thuận: Phương mua số thiết bị đó với giá 800 triệu đồng, trả trước 400 triệu đồng, 3 tháng sau sẽ trả nốt số tiền còn lại với điều kiện Đức chịu trách nhiệm lắp đặt, vận hành toàn bộ số thiết bị này hoạt động tốt trong thời hạn trên.

Vì lí do trên mà Đức thường xuyên có mặt tại bar 189V Bùi Thị Xuân. Còn việc mọi người gọi Đức là "giám đốc" là do thói quen khi làm ở 25 Ngô Văn Sở, ngoài việc Đức giới thiệu nhân viên cũ cho Phương, (trong đó có Nguyễn Thanh Ngà) thì bị cáo hoàn toàn không có vai trò gì.

Trong khi đó, đứng trước tòa với tư cách nhân chứng, Mai Thanh Phương lại tiết lộ một bí mật… khó nói. Thực chất, Phương chỉ góp 35,7% vốn ở công ty PTB. Một thành viên khác trong HĐQT góp 25%, còn lại là Đức góp nhưng lại nhờ Huỳnh Quang Trung đứng tên hộ vì Đức bị cấm kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, quán bar (sau vụ quán Ngô Văn Sở).

Và vì đã có kinh nghiệm nên việc Đức đảm nhiệm hoàn toàn việc điều hành bar 189V là đương nhiên. Phương chỉ quản lý qua một số "chân trong" như: kế toán trưởng Quý - vợ Phương, thủ quỹ Lan Anh - người họ hàng của Phương, lái xe Chỉnh - trực tiếp chở tiền về cuối mỗi ngày.

Vậy là trước tòa cả hai đều từ chối "quyền lợi" của người chủ tại bar 189V.

Các chứng cứ đều bị luật sư bảo vệ phản bác

Trong phần bào chữa, các luật sư của 6 bị cáo đều tập trung phản bác lại quan điểm luận tội của VSK dựa trên những chứng cứ suy đoán về âm thanh lớn, ánh sáng đa màu sắc để "dụ" khách.

LS. Nguyễn Thái Hòa (bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thanh Ngà) đặt câu hỏi: "Nếu nói âm thanh, ánh sáng đó phù hợp cho các đối tượng sử dụng ma túy, vậy thì phải giải thích sao khi chỉ có 44/198 khách bị tạm giữ có phản ứng dương tính với ma túy tổng hợp".

LS. Đặng Văn Luân (bảo vệ cho bị cáo Trương Minh Đức) tập trung vào phân tích: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự có 7 hành vi cấu thành. Tuy nhiên phân tích hành vi của các bị cáo thì thấy không có hành vi nào cấu thành tội phạm. Như vậy, các bị cáo không thể phạm vào tội danh này.

LS. Luân cũng đặt câu hỏi nghi ngờ và yêu cầu làm rõ một chứng cứ buộc tội được đưa vào cáo trạng: Bị cáo Đào Đức Phát - một đối tượng nghiện ma túy, đã nhiều lần phải đi cai nghiện - khai nhận khi vào nhà vệ sinh trong quán bar thì gặp một phụ nữ mời Phát mua thuốc lắc. Phát đã mua một viên với giá 200.000đ và sử dụng ngay.

"Rõ ràng chứng cứ này không có căn cứ để xác định, khi phòng vệ sinh nam và nữ trong quán cách biệt (tầng trên và tầng dưới) lại có người đứng chỉ đường, người phụ nữ bán thuốc cũng không xác định được danh tính. " - LS. Luân khẳng định.

Vậy là hầu hết các chứng cứ, các quan điểm buộc tội lần lượt bị các luật sư lập luận phản bác. Xem ra hành trình tố tụng vẫn chưa tới hồi kết…

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin phiên xét xử khi có tình tiết mới...

Phương Thảo - Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm