Vụ dân bao vây nhà máy phân bón: Yêu cầu di dời nhà máy

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc nhà máy phân bón Sao Nông hoạt động gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc bao vây nhà máy phản đối. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhận trách nhiệm và quyết định tạm dừng mọi hoạt động sản xuất của nhà máy…yêu cầu di dời đến địa điểm mới.

Tạm dừng hoạt động sản xuất, di dời nhà máy

Chiều 19/3, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với đại diện người dân thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh, thành phố Thanh Hoá. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện UBND thành phố Thanh Hóa, lãnh đạo các sở, ngành chức năng và Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Cường Phát (Cty Cường Phát).

Người dân đốt lửa sưởi ấm bao vây nhà máy
Người dân đốt lửa sưởi ấm bao vây nhà máy

Theo phản ánh của người dân và chính quyền xã Đông Vinh, trong quá trình hoạt động, khí thải của nhà máy phân bón Sao Nông đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân thôn Đa Sỹ.

Sau khi có ý kiến của nhân dân và chính quyền xã Đông Vinh, UBND thành phố Thanh Hóa và các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hệ thống xử lý môi trường và phát hiện: Công ty chưa thực hiện báo cáo các giải pháp đảm bảo môi trường đã tiến hành chạy thử và gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 20/2, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã quyết định tạm dừng hoạt động của nhà máy phân bón Sao Nông, yêu cầu khắc phục hệ thống xử lý môi trường đảm bảo đúng quy định.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện một vài giải pháp như nâng cao ống khói lên 28m, thu gom bụi khí thải từ lò hơi để xử lý tại bể dập bụi… Công ty chưa có báo cáo nghiệm thu các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường với các ngành chức năng và UBND tỉnh. Trong khi đó, nhà máy tiến hành hoạt động trở lại và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường khiến người dân càng thêm bức xúc nên đã tụ tập đông người trước cổng nhà máy nhiều ngày để phản đối, yêu cầu Công ty dừng hoạt động.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Xứng đã yêu cầu lãnh đạo các ngành chức năng giải trình, làm rõ những nội dung có liên quan đến như vấn đề quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư dự án, việc thực hiện các bước trong quá trình đầu tư, việc đảm bảo các quy định của pháp luật về môi trường…

Tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của nhà máy khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn
Tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của nhà máy khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn

Sau buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Xứng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trước người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, phối trộn, kể cả vê viên của nhà máy phân bón Sao Nông, chỉ đồng ý cho công ty tiêu thụ hết số sản phẩm, nguyên liệu trong kho.

Ông Nguyễn Đình Xứng khẳng định: “Mặc dù, Cty Cường Phát đã cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục đầu tư nhà máy phân bón Sao Nông, nhưng trong quá trình đầu tư, công ty chưa thực hiện đúng các bước theo quy định nên đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Vì vậy, đồng ý cho công ty di dời toàn bộ nhà máy phân bón Sao Nông sang địa điểm mới để tiếp tục hoạt động, sản xuất kinh doanh với điều kiện phải đảm bảo mọi quy định của nhà nước, đặc biệt là về vấn đề vệ sinh, môi trường”.

Hàng loạt vi phạm của chủ dự án

Trong quá trình hoạt động của nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông của Cty Cường Phát đã vi phạm hàng loạt các quy định. Theo đó, Cty Cường Phát đã vi phạm Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 10: Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, quy định tại Thông tư 27 ngày 29/5/2015 của Bộ TN-MT, quy định về việc đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Trước những bức xúc của nhân dân, nhà máy buộc phải di dời
Trước những bức xúc của nhân dân, nhà máy buộc phải di dời

Bên cạnh đó, Cty Cường Phát còn vi phạm khoản 1, Điều 5: Hướng dẫn điều kiện thực hiện sản xuất phân bón vô cơ, quy định tại Thông tư 29, ngày 30/9/2014 của Bộ Tài chính, quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ, đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác.

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Cty Cường Phát thì nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông có công suất 9.000 tấn NPK/năm vầ 500 tấn phân hữu cơ vi sinh/năm. Nhưng việc đánh giá tác động của mùi hôi do nguyên liệu hoặc do sản xuất không kịp từ bãi tập kết nguyên liệu và từ sân phơi nguyên liệu… đến khu dân cư gần nhất là không chính xác với thực tế, do vậy chưa có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, đơn vị này còn vi phạm khoảng cách cách ly vệ sinh của nhà máy đối với khu vực dân cư gần nhất không đảm bảo theo quy định tại Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01: 2008/BXD; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4449 - 1987 về quy hoạch xây dựng đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế.

Nhà máy phân bón Sao Nông vi phạm quy định của Nhà nước
Nhà máy phân bón Sao Nông vi phạm quy định của Nhà nước

Được biết, khu đất của nhà máy phân bón Sao Nông đang hoạt động trước đây được UBND tỉnh cấp cho doanh nghiệp Hùng Hòa với diện tích 12.499m2 để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy sản xuất đá và vật liệu xây dựng. Cty Cường Phát xin chuyển mục đích sử dụng đất sang sản xuất, kinh doanh phân bón.

Sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cũng đã có văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị di chuyển nhà máy để đảm bảo khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư.

Duy Tuyên