1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Vụ chuyển ngạch “chui”: Kết luận thanh tra đóng dấu “Mật” (?!)

(Dân trí) - Mặc dù đã có kết luận thanh tra vụ Sở Nội vụ Thanh Hóa “phù phép” cho hơn 100 hợp đồng, cán sự lên chuyên viên, công chức, nhưng không hiểu vì lý do gì kết luận này lại được đóng dấu “Mật”; lãnh đạo Sở thì liên tục cáo bận, không thể cung cấp thông tin.

Để làm rõ những thông tin liên quan đến kết luận của thanh tra tỉnh Thanh Hóa về việc Sở Nội vụ tự ý chuyển ngạch “chui” cho 112 hợp đồng, cán sự lên chuyên viên, công chức và việc nhiều trường hợp trong số này lên chức lãnh đạo sau một thời gian rất ngắn, PV Dân trí đã đặt lịch làm việc với Sở Nội vụ Thanh Hóa nhiều lần nhưng lần nào cũng nhận được câu trả lời “bận”. Không những vậy, kết luận thanh tra vụ việc cũng được đóng dấu “Mật” một cách khó hiểu.


Sở Nội vụ Thanh Hóa - đơn vị trực tiếp phù phép cho hơn 100 lao động hợp đồng, cán sự lên chuyên viên, công chức.

Sở Nội vụ Thanh Hóa - đơn vị trực tiếp "phù phép" cho hơn 100 lao động hợp đồng, cán sự lên chuyên viên, công chức.

Thời điểm xảy ra sự việc, ông Đầu Thanh Tùng (hiện là Giám đốc Sở Nội vụ) và ông Nguyễn Bá Tải đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở, đều nằm trong Ban Bình xét với cương vị Phó Chủ tịch. Ông Bùi Quốc Toàn - Trưởng phòng Quản lý công chức giữ cương vị thư ký trong Ban Bình xét.

Vậy nhưng khi thông tin vụ chuyển ngạch "chui" được phản ánh, ông Tải cho rằng thời điểm đó ông đang đi nước ngoài, khi về thì sự việc đã xong. Ông Toàn thì đổ lỗi đây là chỉ đạo của sếp mà cụ thể là ông Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ. Riêng ông Đầu Thanh Tùng thì không làm việc với báo chí với lý do "bận họp".

Theo một lãnh đạo Sở Nội vụ, kết luận thanh tra vụ việc đã được gửi sang Sở Nội vụ cách đây nửa tháng, nhưng do kết luận đóng dấu “Mật” nên chưa được xem.

Trước đó, theo tìm hiểu của PV, vào năm 2014, 112 người ở nhiều đơn vị trong tỉnh đã được ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa lúc bấy giờ, ký xét tuyển và chuyển ngạch “chui”. Trong đó có hơn 30 người nằm trong diện hợp đồng theo Nghị định 68 nghiễm nhiên trở thành công chức và được chuyển, bố trí nhiều công việc “VIP” mà nhiều sinh viên học hành chính quy, có trình độ chuyên môn thi tuyển nhiều lần cũng không trúng tuyển.

Ngoài ra có gần chục trường hợp trong số này được bổ nhiệm lãnh đạo.

Đáng nói, kỳ thi tuyển công chức năm 2013, tại Thanh Hóa có 419 người tham gia, chỉ có 120 người đạt; con số tuyển dụng được chỉ là 93 người bởi có đơn vị chỉ tiêu tuyển dụng nhiều nhưng số thi đậu ít, hoặc có đơn vị không đậu một ai. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thanh Hóa lúc đó đã tuyên bố “không có cửa cho chạy chọt” trong việc thi tuyển công chức.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm