Quảng Bình:
Vụ chìm tàu cá 3 người mất tích: Lời kể của người thoát nạn
(Dân trí) - Vừa trở về từ cõi chết, ông Nguyễn Ngọc Hải (trú thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chủ tàu cá QB 92671 TS bị chìm ngoài khơi, vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại giây phút tàu bị chìm và hành trình thoát hiểm của những người sống sót.
Bị “tàu lạ” quấn dây neo nên bị lật
Lấy lại chút bình tĩnh, ông Hải bắt đầu kể lại giây phút tàu cá của mình bị lật chìm giữa biển khơi: Khoảng 4 giờ sáng ngày 15/2, tàu cá mang số hiệu QB 92671 TS do ông Nguyễn Ngọc Hải làm chủ bỏ neo tại vị trí có tọa độ 17 - 59 N; 110 - 12 E, cách cửa Du Lâm, đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 45 hải lý về phía Đông Nam trong điều kiện thời tiết rất phức tạp, gió giật cấp 7 – 8.
Lúc đó đang còn sáng sớm nên hầu hết mọi người trên tàu đang ngủ, chỉ một người dậy ăn mỳ tôm. Đến khoảng 8 giờ, có một người trong đoàn thức dậy nấu cơm. Ngay lúc đó, người này phát hiện một chiếc “tàu lạ” phía trước tàu mình, tuy nhiên người này không kịp hô hoán hay cắt dây neo nên trong chốc lát tàu cá QB 92671 TS đã bị chiếc “tàu lạ” quấn dây neo và lật chìm tàu.
“Dù lúc đó thời rất tiết xấu, gió to, sóng lớn nhưng đó không phải là lý do mà tàu của chúng tôi bị đánh chìm. Tàu chìm là do chiếc “tàu lạ” quấn dây neo”, ông Hải khẳng định.
Cũng theo ông Hải, ca bin của chiếc “tàu lạ” có màu trắng, mạn tàu màu xanh. Còn thời điểm đó ai cũng hoảng loạn nên không nhớ số hiệu tàu.
Ông Hải cho biết, thời điểm đó gió rất to, sóng đánh rất mạnh nên khi tàu của ông bị chìm, mọi người trên tàu một người văng một đường, vô cùng hỗn loạn.
Trong giây phút hoảng loạn ấy, rất may đã có 5 người đập được kính và thoát ra khỏi con tàu, tìm được một tấm gỗ rồi níu lấy nhau trôi lênh đênh trên biển hàng giờ đồng hồ. Sau đó, một người lớn tuổi tách đoàn bơi đi tìm tàu cứu hộ, 4 người còn lại thả trôi khoảng 4 giờ đồng hồ nữa thì gặp được một chiếc tàu đang đánh cá.
“Lúc đó, chúng tôi mừng lắm, nghĩ rằng mình đã được cứu sống. Khi được cứu sống, trong bụng chúng tôi ai nấy cũng chứa đầy dầu hỏa, trên người thương tích đầy mình, nhất là ở cổ, bụng, chân tay”, ông Hải kể lại giây phút mình và 3 ngư dân khác được cứu sống.
4 ngư dân may mắn được cứu sống gồm: Nguyễn Ngọc Hải (chủ tàu), Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1994), Nguyễn Văn Nòi (SN 1992, đều trú thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) và ông Nguyễn Văn Tọa (SN 1964, trú thôn Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).
Dù ông Hải là 1 trong 4 người may mắn thoát nạn nhưng ông rất đau đớn khi đứa con trai của mình là Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1998) mãi mãi nằm lại giữa biển khơi. Được biết, trước ngày xuất hành, Sơn không có ý định đi theo ba ra khơi chuyến này nhưng vì thương mẹ nên em đã đổi ý. Ai ngờ đó lại là chuyến tàu cuối cùng của Sơn.
Phía dưới di ảnh Sơn, khói hương bay nghi ngút, bà Nguyễn Thị Đào nằm khóc thảm thiết: “Sơn ơi là Sơn! Sao con lại bỏ ba mẹ, anh em mà ra đi. Trước lúc đi mẹ đã nói để đó mẹ đi cho, sao con lại tranh mẹ mà đi. Giờ ba về đây rồi, sao con lại không chịu về mà ở lại biển khơi cho lạnh lẽo thế hả con ơi!”.
Nỗi đau của góa phụ trẻ và 4 đứa con côi!
Rời gia đình chủ tàu Nguyễn Ngọc Hải, chúng tôi sang thăm nhà nạn nhân Phạm Văn Côi (SN 1972), thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. Mới bước đến đầu xóm, trước mắt chúng tôi là khung cảnh tang thương, người vợ trẻ, những đứa con nhỏ dại đầu quấn trắng khăn tang đang quỳ lạy trước di ảnh người cha xấu số.
Trong số hàng trăm người thân, họ hàng và xóm giềng đến chia buồn cùng gia đình chị Nguyễn Thị Lê (SN 1976, vợ anh Côi), cụ Nguyễn Thị Hằng nước mắt lưng tròng: “Tội thân nó lắm các chú ơi, từ nhỏ đến lớn nó luôn sống trong nghèo khó, hai năm trước, hai vợ chồng và 4 đứa con ở căn nhà trát táp lô nhỏ chút, dột nát quanh năm nên anh em, họ hàng cho mượn người một ít để cất căn nhà nho nhỏ để ở cho đỡ khổ. Nào ngờ, nhà mới làm xong, chưa trả được đồng nợ mô thì giờ nó đã mất rồi”.
Cũng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên 3 đứa con lớn của anh Côi đều phải bỏ học sớm, hiện chỉ còn đứa con út đang học lớp 5. Nhưng giờ người ba là trụ cột trong gia đình đã không còn nên tương lai phía trước của em cũng trở nên mù mịt.
Ông Phạm Văn Trọng, người bác ruột của anh Côi xót xa: “Cứ tưởng trời cho sức khỏe, đi biển đánh cá với người ta dăm bảy năm, tằn tiện, tích cóp để trả nợ tiền mượn làm nhà cho người ta, nhưng nào ngờ giờ nó đã bỏ mặc lại vợ con và một khoản nợ mà ra đi mãi mãi. Không biết rồi đây tương lai vợ con nó sẽ đi về đâu”.
Trên chuyến tàu định mệnh ấy còn có một nạn nhân xấu số khác là ông Nguyễn Văn Bợi (SN 1958, trú thôn Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).
Nhằm chia sẻ nỗi đau, mất mát cùng gia đình các bị nạn, những ngày qua chính quyền địa phương và các sở ban ngành cũng đã đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ ban đầu cho gia đình các ngư dân gặp nạn để họ sớm vượt qua nỗi đau này.
Đặng Tài