Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: "Mất bò mới lo làm chuồng"
(Dân trí) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định thường cứ sau mỗi vụ cháy mới bắt đầu rà soát. Điển hình như hàng loạt chỉ thị về rà soát karaoke; hay sau vụ cháy khiến 56 người chết mới rà soát chung cư mini.
Sáng 16/10, cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dành thời gian để góp ý vào công tác phòng cháy chữa cháy - vấn đề rất được quan tâm thời gian qua.
Theo bà Nga, tình hình cháy nổ từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước tới nay vẫn diễn biến phức tạp. "Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội vừa qua cho thấy công tác phòng cháy rất sơ hở", bà Nga nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định thường cứ sau mỗi vụ cháy xảy ra mới bắt đầu rà soát. Điển hình, sau vụ cháy quán karaoke khiến nhiều người chết có hàng loạt chỉ thị về rà soát các tụ điểm karaoke, hay sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết vừa qua mới rà soát chung cư mini.
"Công tác phòng cháy thực hiện chưa tốt, không chỉ với chung cư mini mà đối với chung cư cao tầng, khi xảy ra cháy hậu quả sẽ khôn lường, không dễ mà thoát được", theo lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.
Cho biết năm 2018, Quốc hội đã có cuộc giám sát rất lớn về phòng cháy, chữa cháy và ban hành Nghị quyết 99 sau cuộc giám sát này, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh giúp Quốc hội kiểm tra lại Nghị quyết về phòng cháy, chữa cháy để đề xuất Chính phủ tăng cường thực hiện các giải pháp mà Quốc hội đề ra.
Liên quan tới công tác phòng cháy, chữa cháy, báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường của nhiều tỉnh, thành trên cả nước vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy diễn ra phổ biến.
Thống kê cho thấy riêng Hà Nội hiện có 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 cơ sở không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Nhưng ở một khía cạnh khác, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng phản ánh có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.
Các doanh nghiệp cho rằng nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả các nước phát triển và chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.
Theo nhận định, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy được ban hành không phân biệt được quy mô dự án, tính chất công trình, khó thực hiện trên thực tế.
Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) thống kê kể từ khi QCVN 06:2022 có hiệu lực (ngày 16/1), tính đến nay 26/4 khoảng 3 tháng nhưng "chưa có công trình nào đưa vào hoạt động".