1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Vụ “cạo trọc” rừng tự nhiên, trồng keo: Chính quyền và kiểm lâm buông lỏng quản lý

(Dân trí) - “Trong vụ phá rừng tự nhiên kéo dài nhiều năm để trồng cây keo có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn”. Đó là khẳng định của ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, sau gần một ngày thị sát khu vực rừng bị phá.

Trong ngày 22/9, mất hơn 6 giờ đồng hồ để đi và về, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các ban, ngành địa phương đã băng rừng lội suối, đến tiểu khu 556 và 557 để chứng kiến toàn bộ mức độ tàn khốc của tình trạng phá rừng tại đây.

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thị sát khu vực rừng bị phá
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thị sát khu vực rừng bị phá

Cùng đi trong đoàn có nhiều người dân địa phương, họ cho rằng nếu như những năm trước, các cấp lãnh đạo vào cuộc sớm thì rừng đã không bị “cạo trọc” như bây giờ. Tình trạng phá rừng tại đây diễn ra từ năm 2010 đến nay với diện tích rừng bị phá khoảng hơn 120ha; trong đó, diện tích rừng phòng hộ khoảng 80ha.

Từ năm 2010-2015, tình trạng phá rừng tại đây có xảy ra nhưng với mức độ không lớn, chủ yếu do người dân tự phát phá rừng. Huyện tiến hành lập biên bản những hộ phá rừng, đồng thời ra quyết định thu hồi đất và tài sản trên đất giao, diện tích 50ha giao cho xã quản lý.

Nhiều gốc cây to đã bị chặt hạ
Nhiều gốc cây to đã bị chặt hạ

Từ năm 2015 đến nay, rừng bị phá với mức độ ngày một tàn khốc hơn. Cụ thể, năm 2015 xảy ra 5 vụ phá rừng với diện tích hơn 13ha, năm 2016 xảy ra 8 vụ, diện tích gần 14ha, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2017, diện tích rừng phòng hộ bị phá lên đến gần 40ha, tập trung ở 2 tiểu khu 556 và 557.

Tình trạng phá rừng xảy ra ngày một nghiêm trọng như vậy nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương chưa được tìm phương án khả thi để ngăn chặn, chủ yếu là đổ lỗi cho nhau.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - ông Lê Trí Hiệu, cho hay địa bàn xã Tiên Lãnh, diện tích rừng phòng hộ còn khoảng 2.400ha nhưng một kiểm lâm địa bàn quản lý khu vực này không thể đáp ứng được.

Đại tá Nguyễn Văn Cự - Trưởng Công an huyện Tiên Phước - cho biết, nhiều vụ phá năm trước nhưng năm sau mới phát hiện. Thời gian lực lượng kiểm lâm vào cuộc, đo đếm diện tích rừng bị phá, khởi tố vụ án chuyển sang cơ quan công an quá dài. Đại tá Nguyễn Văn Cự cho biết, 8 vụ phá rừng mà Hạt Kiểm lâm huyện chuyển sang cơ quan điều tra Công an huyện đều quá “cũ” nên rất khó điều tra.

Một khoảnh rừng đã bị đốt cháy để trồng keo
Một khoảnh rừng đã bị đốt cháy để trồng keo

Về nguyên nhân lực lượng kiểm lâm mỏng, không thể quản lý hết địa bàn, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho rằng, lý do này không thuyết phục bởi trước đây quy định một kiểm lâm phụ trách 1.000ha, nhưng gần đây ngành đã điều chỉnh lại một kiểm lâm phụ trách 700ha.

Kết luận buổi làm việc sau khi đi thị sát, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức nhiều đợt truy quét, các huyện giáp ranh cũng đã ký kết quy chế phối hợp. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Ông Thanh cho rằng, cần phải xử lý công khai các trường hợp phá rừng để người dân biết. Đối với cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng mà để mất rừng thì xử lý nghiêm minh.

Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh cho hay đã khởi tố vụ án và đề nghị cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để tiếp tục khởi tố bị can đối với một đối tượng là ông Phùng Văn Bảy. Ông Bảy là đối tượng đã thuê một số hộ dân phá rừng ở khu vực này.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh để khởi tố các vụ phá rừng còn lại ở khu vực này để răn đe. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng phê bình lãnh đạo địa phương, kiểm lâm địa bàn đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng phá rừng mà không có biện pháp xử lý rốt ráo khiến dư luận bức xúc.

Công Bính