1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Vụ cán bộ xã nhổ “nhầm” keo của dân: Dân không chấp nhận đền bù!

(Dân trí) - Sáng 2/10, tại thôn Thạch Hưng, UBND xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã tổ chức buổi làm việc với các hộ dân về việc chính quyền xã cho người vào nhổ “nhầm” keo ở gò Núi Tre vào ngày 24/9 vừa qua.

Chị Trần Thị Minh Thuyền (35 tuổi, vợ của anh Doãn Bá Ba) cho rằng, diện tích trồng keo ở gò Núi Tre là do gia đình chị và 3 hộ dân gồm anh Nguyễn Đông, Nguyễn Đức Long và Nguyễn Văn Đại khai hoang từ năm 2006.

Cán bộ xã nhổ nhầm keo của người dân

Cuộc làm việc của xã Tam Xuân 2 với các hộ dân liên quan đến vụ “nhổ nhầm” cây keo

Năm 2013, do mưa bão làm cây keo bị đổ nên gia đình chị và các hộ đã khai thác. Đến đầu năm 2019, gia đình đã trồng lại keo trên diện tích này. Ngày 24/9 vừa qua, chính quyền xã đã tự ý thuê người vào nhổ cây keo của nhóm hộ dân mà không có thông báo hoặc quyết định thu hồi diện tích đất trồng keo này.

Chị Thuyền nói: “Nếu chính quyền xã Tam Xuân 2 muốn lấy lại diện tích đất này để làm nghĩa địa thì phải có quyết định thu hồi đất của UBND huyện Núi Thành hoặc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam; phải có chính sách hỗ trợ tiền khai hoang, hỗ trợ mỗi cây keo giá 35 ngàn đồng”.

Cán bộ xã nhổ nhầm keo của người dân

Anh Doãn Bá Ba với những cây keo chính quyền xã tự ý nhổ vào ngày 24/9

Còn anh Doãn Bá Ba cho rằng, nếu nói các hộ dân lấn chiếm đất thì cả thôn Thạch Kiều đều lấn chiếm, các hộ dân ở đây đa số tự khai hoang và yêu cầu chính quyền xã đền bù giá 35 ngàn đồng/1 cây keo, đồng thời yêu cầu họp dân để xác định lại nguồn gốc đất.

Tại cuộc họp, sau khi lắng nghe ý kiến của các hộ dân, ông Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 - cho rằng, với mức giá 35 ngàn đồng/1 cây keo mà người dân đưa ra thì xã không đồng ý, vì theo quy định Nhà nước cây keo trồng dưới 1 năm tuổi thì giá 4 ngàn đồng/1 cây. Đối với việc người dân đòi tiền hỗ trợ công khai hoang đất thì chính quyền xã sẽ tổ chức cuộc họp người dân thôn Thạch Kiều để xác định lại nguồn gốc đất mới đưa ra hướng giải quyết.

Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết, quyết định 8188/QĐ Ngày 21/12/2002 phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới, trong đó có khu nghĩa địa Núi Tre; Quyết định 1781/QĐ ngày 29/5/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc giao cho UBND xã quản lý vùng đất này; sau đó, UBND xã đã tiến hành quy hoạch khu vực nghĩa địa Núi Tre và nhiều lần mời các hộ đến làm việc về hỗ trợ kinh phí cho các hộ trồng keo tại đây. Tuy nhiên, những lần mời họp này có hộ đến, có hộ không.

Với mức giá đền bù 4 ngàn đồng/1 cây keo (đã bị nhổ) mà lãnh đạo xã Tam Xuân 2 đưa ra tại cuộc họp, các hộ dân đã không đồng ý và không ký vào biên bản làm việc. Vì không đồng tình với mức “hỗ trợ” nên buổi làm việc kết thúc mà không tìm được tiếng nói chung.

Như Dân trí đã phản ánh về việc chính quyền xã Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) tự ý thuê người nhổ cây keo do người dân mới trồng được 7 tháng. Khi những người của xã nhổ được khoảng 3.000 cây thì người dân kéo đến yêu cầu dừng lại và hỏi vì sao nhổ keo của họ mà không thông báo. Sau đó xã nhận lỗi và hứa “hỗ trợ” mỗi cây keo bị nhổ 4.000 đồng nhưng người dân không đồng ý nên sáng 2/10, xã đã tổ chức cuộc họp và cuộc thương lượng bất thành.

C.Bính