1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vụ bé gái bị nhốt, đánh trong chùa: Đi ngược giáo lý từ bi của Phật giáo!

(Dân trí) - “Trẻ em còn non nớt về tinh thần và khả năng tự vệ kém. Nguy cơ bị xâm hại đối với các cháu rất cao. Sự việc bạo hành trẻ tại chùa Thiên Tâm (Hưng Yên) cho thấy sự thiếu hụt của người lớn trong nhận thức và chấp hành pháp luật về quyền trẻ em trong xã hội”

Cháu Nguyễn Thị P (ảnh: Báo Người lao động)
Cháu Nguyễn Thị P (ảnh: Báo Người lao động)

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - trao đổi với PV Dân trí về sự việc cháu Nguyễn Thị P. (sinh năm 2005, quê quán Chiếng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) bị nhốt, bị bạo hành và 4 ngày mới được ăn 1 bát cơm có muối tại chùa Thiên Tâm, thôn Lạc Cầu (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vừa qua.

Liên quan tới sự việc cháu bé Nguyễn Thị P. bị nhốt và có những dấu hiệu bạo hành tại chùa Thiên Tâm, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em có ý kiến gì, thưa ông?

Theo báo cáo nhanh cơ quan LĐ-TB&XH địa phương, cháu Nguyễn Thị P. đã được chính quyền địa phương cùng với cơ quan LĐ-TB&XH địa phương kịp thời bảo vệ, hỗ trợ và chuyển cháu đến một gia đình chăm sóc thay thế tại thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm.

Cháu Nguyễn Thị P. đã được chữa trị vết thương tại bệnh viện huyện Yên Mỹ. Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ tư vấn để ổn định tinh thần cho cháu. Công an huyện Yên Mỹ đã triển khai công tác điều tra, đưa cháu đi giám định tại Hà Nội.

Sự việc “nhốt, cách ly, không cho trẻ em đi học và có dấu hiệu bạo hành” xảy ra trong một cơ sở tôn giáo, đã đi ngược lại giáo lý và bản chất nhân đạo, từ bi của tôn giáo.


Khi cháu P. được giải cứu, trong căn phòng nhốt cháu chỉ có một bát cơm đã ăn hết và ít muối trắng cùng một chai nước.

Khi cháu P. được giải cứu, trong căn phòng nhốt cháu chỉ có một bát cơm đã ăn hết và ít muối trắng cùng một chai nước.

Khi sự việc được cơ quan pháp luật điều tra làm rõ, vị sư trụ trì chùa Thiên Tâm cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước giáo hội tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Tôi đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đăng ký giám hộ, đăng ký thường trú, tạm trú khi vị sư trụ trì chùa nhận trẻ em về nuôi dưỡng tại chùa từ năm 2011 đến nay.

“Xin được nói thêm, các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em, gây tổn hại cho trẻ em đều bị nghiêm trị và tăng nặng hơn so với cùng hành vi gây tổn hại cho người đã trưởng thành” - ông Đặng Nam nói.

Từ sự việc diễn ra tại chùa Thiên Tâm, ông có nhận xét gì về thực trạng ý thức chấp hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong xã hội hiện nay?

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra việc vi phạm pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở một số cơ sở tôn giáo, cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Thậm chí, việc vi phạm còn do các bậc cha, mẹ hoặc những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em gây ra.

Điều này cho thấy có “khoảng trống” về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền trẻ em, kỹ năng chăm sóc trẻ em trong xã hội.

Đối tượng trẻ em có đặc thù non nớt về thể chất, tinh thần. Các cháu ít có khả năng phản ứng, đề kháng và tự bảo vệ. Nguy cơ bị xâm hại đối với các cháu rất cao. Điều này đòi hỏi các cơ quan bảo vệ cần tăng cường chấp hành công tác bảo vệ, chăm sóc đối tượng trẻ em.

Qua câu chuyện ở chùa Thiên Tân cũng như tình trạng gia tăng các vụ xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột trẻ em gần đây, ông có những đề xuất gì để ngăn chặn tình trạng này?

Tôi cho rằng, Nhà nước cần gấp rút bổ sung và sửa đổi quy định pháp luật về quyền trẻ em nói chung và về bảo vệ trẻ em nói riêng.



Cháu P. được phát hiện ngồi co ro dưới gầm bàn trong ngôi nhà cấp 4 (ảnh do người dân tham gia giải cứu cháu P. cung cấp)
 


Cháu P. được phát hiện ngồi co ro dưới gầm bàn trong ngôi nhà cấp 4 (ảnh do người dân tham gia giải cứu cháu P. cung cấp)
 

Cụ thể, pháp luật cần bổ sung các quy định bắt buộc về trách nhiệm tố giác, thông báo các hành vi nguy cơ hoặc đang xâm hại trẻ em. Đi kèm với các chế tài xử phạt hành vi che giấu, không tố cáo, thông báo hoặc khen thưởng hành vi tố cáo, thông báo kịp thời.

Quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm truyền thông, về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội làm việc về trẻ em.

Bắt buộc học tập, đào tạo về kiến thức pháp luật, về kỹ năng bảo vệ trẻ em với các đối tượng chăm sóc trẻ em thay cho gia đình các em như: Người giám hộ, người quản lý, nhân viên cung cấp dịch vụ và làm việc ở các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.

Không chỉ có vậy, pháp luật cần hình thành một hệ thống bảo vệ trẻ em (trong tương quan với các hệ thống Giáo dục, hệ thống Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em) gồm: Cơ quan chủ trì về bảo vệ trẻ em các cấp, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ trẻ em, tiêu chuẩn và quy trình bảo vệ trẻ em của các dịch vụ liên quan, các cơ sở từ thiện, xã hội nuôi dưỡng trẻ em, sắp xếp nguồn nhân lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em ở cấp xã…

Xin cảm ơn ông

 

“Tại kỳ họp lần thứ 10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét và góp ý cho Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung cơ bản được bổ sung, sửa đổi và quy định mới trong dự án Luật này” - ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Hoàng Mạnh (thực hiện)