1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ 300 xác thai nhi chôn tại bãi rác: Bệnh viện sản xử lý nhiều vụ phá thai

(Dân trí) - Liên quan đến vụ 7 năm xử lý rác phát hiện 300 xác thai nhi, lãnh đạo Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi Cà Mau vừa có báo cáo về việc xử lý các trường hợp thai lưu và trẻ sơ sinh tử vong bị bỏ rơi tại bệnh viện.

Bác sĩ Võ Thành Lợi - Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau có báo cáo cho biết, bệnh viện (BV) cũng thường xuyên tiếp nhận và xử lý đúng quy trình các trường hợp thai lưu đến chấm dứt thai kỳ, trẻ sơ sinh tử vong tại BV.

Vụ 300 xác thai nhi chôn tại bãi rác: Bệnh viện sản xử lý nhiều vụ phá thai - 1

Bệnh viện chuyên khoa sản nhi Cà Mau.

Cụ thể, với trường hợp thai lưu sinh tại BV, khi sản phụ nhập viện, BV tiến hành lập hồ sơ bệnh án hội chẩn và chấm dứt thai kỳ khi đủ điều kiện. Sau khi sinh, BV mời đại diện người nhà sản phụ vào để báo cáo tình hình bé và mẹ (có lập biên bản làm việc và lưu trữ cùng với hồ sơ của mẹ).

“Trường hợp người nhà sản phụ đồng ý nhận bé thì bệnh viện sẽ bàn giao bé cho người nhà để tự chôn cất theo nguyện vọng. Trường hợp người nhà sản phụ không đủ điều kiện tự chôn cất và đề nghị hỗ trợ chôn cất, bệnh viện sẽ liên hệ một số đơn vị để xin quỹ đất và phối hợp chôn cất bé theo đúng quy trình”, bác sĩ Lợi báo cáo.

Với các trường hợp trẻ sơ sinh tử vong bị bỏ rơi tại bệnh viện, bác sĩ Võ Thành Lợi thông tin, khi có trẻ sơ sinh tử vong và bị bỏ rơi tại các khoa, kíp trực báo cáo lãnh đạo BV điều động các phòng chức năng xuống ghi nhận. Sau đó, BV liên hệ Công an phường 6 (TP Cà Mau, BV nằm trên địa bàn) để báo cáo, làm biên bản vụ việc.

“Sau khi công an ghi nhận, bệnh viện sẽ giao bé cho bộ phận nhà xác của bệnh viện. Đại diện bộ phận nhà xác sẽ liên hệ một số đơn vị để xin quỹ đất và phối hợp chôn cất theo đúng quy trình”, Giám đốc BV Sản – Nhi Cà Mau báo cáo rõ.

Cũng theo bác sĩ Võ Thành Lợi, số ca sản phụ sinh trong một năm tại BV khoảng từ 9.000 - 10.000 ca, chiếm gần 50% số ca sinh của toàn tỉnh. Tuy nhiên, số ca thai lưu hay trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tối đa chưa đến 15 trường hợp/năm.

“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số thai nhi mà bệnh viện liên hệ một số đơn vị từ thiện hỗ trợ chôn cất chưa tới 10 trường hợp. Đa số gia đình tự đem về chôn cất”, bác sĩ Lợi chia sẻ thêm.

Vì vậy, con số 300 thai lưu hay trường hợp trẻ sơ sinh chết bị bỏ rơi đối với một BV trong vài năm là quá lớn.

Vụ 300 xác thai nhi chôn tại bãi rác: Bệnh viện sản xử lý nhiều vụ phá thai - 2

Một hũ được cho là chôn cất thai nhi trong khuôn viên Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.

Như Dân trí đã đưa tin, trước đó, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau) có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau về việc hỗ trợ xứ lý tình trạng thai nhi tại Nhà máy xử lý rác thải.

Theo tờ trình của Công ty Công Lý, hiện một vấn đề nhức nhối mà đơn vị đã và đang gặp phải là tình trạng thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hàng ngày tập kết về nhà máy xử lý.

Tính từ khi đi vào hoạt động (tháng 5/2012) đến nay đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi. Đơn vị này đã thực hiện việc mua quan và tiến hành chôn cất các thai nhi ngay trong khuôn viên nhà máy.

Theo tờ trình, đến nay, quỹ đất không còn chỗ để tiếp tục chôn cất thai nhi, trong khi nếu hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.

“Trước thực tế nan giải trên, Công ty Công Lý trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét có hướng giải quyết cấp đất, hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi; kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc bỏ thai nhi theo xe rác vào nhà máy”, tờ trình nêu.

Vụ 300 xác thai nhi chôn tại bãi rác: Bệnh viện sản xử lý nhiều vụ phá thai - 3

Hàng cây xung quanh tường rào của nhà máy được cho là nơi an nghỉ của cả trăm thai nhi.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế (kể cả y tế tư nhân) trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý, xử lý chất thải y tế có đúng theo quy định không.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các bệnh viện, cơ sở y tế (nhất là các phòng khám sản khoa), khi phát hiện sai phạm trong quản lý, xử lý chất thải y tế, vật phẩm y tế,... kiên quyết xử lý theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế việc phân loại, xử lý rác thải, chất thải theo đúng quy trình, không để xảy ra trường hợp thai nhi lẫn vào rác thải đưa vào Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.

Huỳnh Hải