1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ 27 lao động kêu cứu: Nguyễn Đức Quyền đã bỏ trốn?

(Dân trí) - Trong cuộc trao đổi sáng 20/6, một cán bộ công an xã Hạp Lĩnh cho biết, hơn một tháng nay Nguyễn Đức Quyền không trở về nhà. Cũng thế, từ hơn một tuần nay, các số máy liên lạc của Nguyễn Đức Quyền mà chúng tôi có được đều… không hoạt động.

>> Lời kêu cứu của 27 lao động bơ vơ ở Singapore

>> Lộ mặt một đường dây lừa đảo XKLĐ

Thậm chí, từ cách đây nhiều ngày chúng tôi đã liên lạc với số máy gia đình Nguyễn Đức Quyền tại Bắc Ninh nhưng cũng không có người nhấc máy. Đến hôm nay thì số máy này hoàn toàn cắt liên lạc.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 18/6, Công ty vận tải biển và Xuất khẩu lao động chi nhánh Hà Nội (HANOI ISALCO) đã có công văn trả lời Cục quản lý lao động ngoài nước và Dân trí về đơn tố cáo cán bộ của cơ sở này lừa đảo tuyển dụng lao động đi làm việc tại Singapore.

Ông Nguyễn Công Đoan, giám đốc HANOI ISALCO khẳng định công ty không chỉ đạo cho bất kỳ đơn vị hoặc cá nhân nào tuyển dụng lao động đi làm việc tại Singapore. Hành vi của Nguyễn Đức Quyền và Hà Phương Thảo là lừa đảo. Cũng theo ông Đoan, hai nhân viên này chỉ được giao cho tìm kiếm các đơn vị có lao động đi làm việc tại Malaysia. Kể từ ngày 11/12/2006, đơn vị này đã có văn bản ngừng tiếp nhận Quyền và Thảo.

      Trước đó, Chi nhánh công ty vận tải biển và xuất khẩu lao động HANOI ISALCO đã chính thức có đơn đề nghị lên Công an Hà Nội điều tra, làm rõ vụ việc. 

Dài thêm danh sách nạn nhân

Sau khi Dân trí có loạt bài “27 lao động kêu cứu tại Singapore” viết về hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động sang Singapore của đối tượng Nguyễn Đức Quyền với số tiền lên tới gần 3 tỷ đồng, đã có nhiều nạn nhân vừa thoát nạn trở về từ Singapore tiếp tục tố cáo việc họ đã mất cho Nguyễn Đức Quyền hàng trăm triệu đồng. Để đổi lại là những ngày dài họ phải ăn sống vật vờ trên đất Singapore.

Trong lá đơn của mình, nạn nhân Trịnh Tuấn Anh trú tại phường Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa cho biết anh phải tự bỏ 365 đô-la Singapore, tương đương với 5 triệu đồng Việt Nam để mua vé trở về Việt Nam.

Nạn nhân này cho biết: chuyến bay đầu tiên vào ngày 23/1, Tuấn Anh cùng 7 nạn nhân khác được Hà Phương Thảo đưa sang Singapore. Tại đây, một người tên là Hà Văn Hùng, sinh năm 1980, đứng ra tổ chức cho lao động mới sang từ chuyện thuê nhà đến việc đưa tiền ăn uống.

Hùng cũng là người trực tiếp giải quyết các công việc với người lao động mà Quyền đưa từ Việt Nam sang. Ở Singapore được nửa tháng, số lao động này được đưa sang Malaysia với lý do để gia hạn visa và thẻ làm việc. Tiếp tục nằm chờ 2 tháng ở Malaysia, đã quá thời hạn miễn thị thực 1 tháng ở nước này, Tuấn Anh cùng 30 lao động Việt Nam đi theo nhiều đường dây khác nhau lâm vào bước đường cùng khi bị cảnh sát nước bạn đưa vào trại. Sau đó, Tuấn Anh cùng lao động người Việt này bị đưa ra tòan án Malaysia xử về tội cư trú bất hợp pháp.

15 ngày sau thì Tuấn Anh được người của Quyền bảo lãnh ra và đưa trở về Singapore. Tuy nhiên, lời hứa có được tấm thẻ làm việc mà Tuấn Anh và những lao động cùng cảnh ngộ nhận được từ Hùng vẫn không thành sự thật.

 

Ngày 11/5, Tuấn Anh phải quay về Việt Nam. Ngày 29/5, Tuấn Anh tiếp tục chuyến sang Singapore thứ hai sau khi đưa thêm cho Nguyễn Đức Quyền 1.000 USD phí làm thẻ dưới hình thức viết giấy ghi nợ. Thời gian ăn chực nằm chờ ở Singapore sau đó, các lao động gần như bị bỏ rơi, không được chu cấp tiền ăn.  

Phúc Hưng