“Vốn đầu tư ra bên ngoài của EVN chỉ chiếm 3,4%”
(Dân trí) - Đúng như dự đoán, những bất cập trong cung cấp điện, đầu tư “trái tay” của EVN, mua điện trong nước một cách “hạn chế”… là những vấn đề đại biểu muốn tìm câu trả lời ở Bộ trưởng Công Thương. Cùng đó, lạm phát tiếp tục là chủ đề chất vấn rất sôi nổi.
Đại biểu Nguyễn Duy Hoà (Thanh Hoá) khơi mào cho vấn đề đang “nóng”: Người dân nộp tiền muộn bị phạt, cúp điện, trong khi bên bán điện cắt lúc nào cũng được, không bồi thường, giá lại đội lên rất cao… như vậy có công bằng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, trong việc bán điện có vấn đề tăng giá và điều này là do cơ chế bán “tự gây ra”. Theo đó, tại các địa phương có những tổ, nhóm bán điện và khi điện đến người dân giá lên rất cao.
Hiện ngành điện đang tha thiết đề nghị để các địa phương giao lại việc bán điện cho ngành điện. “Không thể vì lợi ích của một nhóm nhỏ mà quên lợi ích của cộng đồng”, ông Hoàng nhấn mạnh.
“Một mình một chợ, một người bán, vạn người mua” là hình ảnh đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nói về ngành điện.
Ông Hải cho rằng, chính việc không có thị trường bán điện cạnh tranh nên mới có tình trạng Nhà máy điện Cà Mau bán không hết công suất, trong khi cả nước đang thiếu điện. Từ đó, ông nêu câu hỏi, Bộ trưởng làm gì để đẩy nhanh thị trường hoá việc bán điện?
Ông Hoàng nhắc lại lộ trình phát triển ngành điện, từ 2006 - 2014 thị trường hoá phát điện, từ 2014 - 2022 thực hiện bán buôn giá điện, từ 2022 thực hiện thị trường bán lẻ giá điện. Câu trả lời của ông là sẽ thực hiện theo lộ trình đã định sẵn và hiện nay vẫn đang đúng tiến độ.
Bắt tiếp vào vấn đề, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) nêu câu hỏi, có phải ngành điện mua điện nước ngoài với giá cao, trong nước giá thấp?
“Không có chuyện mua của bên ngoài cao hơn mà vẫn mua”, ông Hoàng khẳng định. Theo ông Hoàng, giá điện cao nhất mà EVN mua trong nước là 1.044 đồng/kw/h, trong khi mua của Trung Quốc chỉ 780 đồng/kw/h.
Giá trị gia tăng của sản xuất ngày càng giảm
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng nêu câu hỏi, Bộ trưởng quan tâm đến công hay thương nhiều hơn? Tại sao nước ta đứng thứ 13 thế giới về dân số mà chưa có nhà máy vi sinh nào, trong khi phải nhập nguyên liệu vắc xin, kháng sinh với giá rất cao?
“Chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề công hay thương quan trọng hơn”, ông Vũ Huy Hoàng đáp lại. Về chưa có nhà máy sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh, ông chia sẻ, hiện nay các nhà máy sản xuất thuốc của chúng ta là nhập khẩu nguyên liệu 90%.
“Chúng tôi thấy đây là vấn đề cần xem xét nghiêm túc và sắp tới, tôi sẽ trao đổi kỹ hơn với Bộ trưởng Y tế vì đây cũng là giải pháp giảm nhập siêu”, ông Hoàng hứa hẹn.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) “bắn” tiếp tới Bộ trưởng câu hỏi, hiện tại trong nước có nhiều mạng lưới bán hàng của các công ty bên ngoài, vậy trong trường hợp có biến động, Bộ có công cụ gì để điều tiết thị trường?
Ông Hoàng cho rằng, sở dĩ chúng ta giữ được giá các mặt hàng cốt yếu, đặc biệt với xăng là do chúng ta có hệ thống từ nhập khẩu đến bán. Các mặt hàng như xi măng, thép cũng có hệ thống… Với các mặt hàng khác, tới đây Bộ sẽ xây dựng hệ thông bán lẻ, coi trọng thị trường trong nước.
Tiếp tục bám đuổi, nhưng đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) chuyển sang khía cạnh khác. Theo ông, công nghiệp Việt Nam ngày càng thể hiện xu hướng gia công. Giá trị gia tăng của sản xuất ngày càng giảm, năm 1995 là 40%, hiện nay chỉ còn 20%. Hệ quả là khi tình hình thế giới biến động, giá cả tăng thì nền công nghiệp gia công, không những không có tác dụng chống lạm phát mà còn nhập lạm phát.
“Chúng tôi tiếp thu nhận xét của đại biểu”, Bộ trưởng Hoàng nhẹ nhàng. Ông lí giải, giá trị gia tăng nói chung của công nghiệp có xu hướng giảm do chi phí trung gian, công nghệ, nguyên nhiên liệu.
Riêng về điện, các nước muốn tăng trưởng 1% GDP cần tăng 1% điện, trong khi ở ta nhu cầu về điện lại cần tăng gấp đôi. Ông Hoàng cho biết, sẽ cố gắng sắp xếp lại sản xuất, đổi mới về vấn đề sử dụng điện.
Kim Tân