1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Vợ liệt sĩ muốn làm chế độ phải đóng phí "oan"

(Dân trí) - Mặc dù quy định hồ sơ làm chế độ “Trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác” không phải mất lệ phí, tuy nhiên, nhiều trường hợp vợ liệt sĩ tại huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đã phải đóng một loại phí “oan” không hề nhỏ cho cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện.

Nhằm hỗ trợ chính sách đối với người có công, thân nhân gia đình liệt sĩ, Nhà nước đã áp dụng chế độ “Trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác”. Chế độ chính sách trên áp dụng theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì rất nhiều đối tượng là vợ liệt sĩ tại các xã Yên Khương, Yên Thắng, Tân Phúc, Tam Văn trước khi có được chế độ trên, phải đóng “phí” cho cán bộ chính sách.

Bà Lữ Thị Tuyên (SN 1961, trú tại xã Tam Văn) là vợ liệt sĩ Lương Văn Cau cho biết khi thực hiện làm chế độ “Trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác”, gia đình bà đã phải nộp khoản lệ phí 4 triệu đồng để làm hồ sơ.

Bà Tuyên là người dân tộc Thái, bà lấy ông Cau nhưng chưa kịp sinh con thì ông đi kháng chiến rồi hy sinh ở chiến trường. Đến năm 26 tuổi, bà tái giá và có 3 người con. Hoàn cảnh gia đình bà vô cùng khó khăn.

Bà Tuyên cho biết 1 năm sau khoản tiền bà đi vay đóng cho cán bộ chính sách mới được trả xong
Bà Tuyên cho biết 1 năm sau khoản tiền bà đi vay đóng cho cán bộ chính sách mới được trả xong

“Năm 2016, tôi đưa hồ sơ cho em trai là Lữ Văn Chiên, mang xuống Phòng LĐ-TB&XH huyện Lang Chánh nộp để làm chế độ. Sau đó, gia đình được thông báo phải nộp khoản lệ phí là 4 triệu đồng cho cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện. Gia đình tôi phải chạy vạy khắp nơi mới vay được. Cho đến 1 năm sau đó, tôi mới trả hết nợ” – bà Tuyên kể lại.

Cũng theo bà Tuyên, theo chế độ mỗi tháng gia đình bà được hỗ trợ 1,3 triệu đồng tiền tuất và bà bắt đầu được nhận từ tháng 6/2016. Bà Tuyên không hề biết số tiền 4 triệu mà bà phải đóng là tiền “phí oan”.

Tương tự như gia đình bà Tuyên, bà Lương Thị Tân, vợ liệt sĩ Lò Văn Đậu (xã Tân Phúc) cũng phải đóng cho cán bộ chính sách 4 triệu đồng tiền phí làm hồ sơ.

Khi chúng tôi đến căn nhà ọp ẹp của bà Tân, chỉ có cô con dâu là chị Trương Thị Hiền (SN 1988) ở nhà.

Chị Hiền kể lại: “Năm 2016 có ông Lê Văn Tân (Phó Ban chính sách xã Tân Phúc) và một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Lang Chánh đến tận nhà hướng dẫn quy trình làm hồ sơ chế độ cho bà Tân. Sau khi được thông báo khoản phí 4 triệu đồng, gia đình cũng phải đi vay và chính tay tôi đưa trực tiếp cho ông Lê Văn Tân cán bộ xã”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Đăng Lực, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh khẳng định không hề biết việc này. Sau khi nhận được thông tin, huyện sẽ rà soát lại, nếu đúng sẽ yêu cầu chi trả lại khoản tiền thu giữ trái quy định của người nghèo, đồng thời có hướng xử lý cán bộ sai phạm.

Trước đó, Dân trí đã thông tin, ông Lê Văn Tân, Phó Ban chính sách xã Tân Phúc cũng đã khai khống hồ sơ người chết để nhận tiền chính sách. Ông Tân sau đó đã bị Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh ra quyết định buộc phải nộp lại số tiền sai phạm gần 68 triệu đồng.

Bình Minh