"Vợ chồng nhiều chuyện tế nhị, khó cấm tiếp xúc dưới 50m"

Quang Phong Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, biện pháp cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc dưới 50m với người bị bạo lực là khó khả thi vì giữa những người thân trong gia đình còn có nhiều chuyện tế nhị.

Chiều 31/5, trao đổi riêng với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, điều quan trọng nhất của việc xử lý hành vi bạo lực gia đình là để ngăn ngừa, răn đe, chứ không phải để ngăn cản hạnh phúc trong mỗi gia đình.

Một trong những điểm mới đang thu hút sự quan tâm của dư luận về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đó là cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc dưới 50m với người bị bạo lực. Theo ông, quy định như vậy liệu có khả thi?

- Bảo vệ người bị bạo lực trước người có hành vi bạo lực là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quy định người có hành vi bạo lực phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực từ 50m trở lên là khó khả thi. Vợ chồng ở trong một nhà thì liệu có mấy nhà đủ khoảng cách đến 50m? Để đáp ứng đủ khoảng cách đó, có lẽ chỉ có người vợ được ở trong nhà, còn chồng phải ra ngoài đường.

Vợ chồng nhiều chuyện tế nhị, khó cấm tiếp xúc dưới 50m - 1

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quy định cấm tiếp xúc gần dưới 50m giữa người có hành vi bạo lực với người bị bạo lực trong gia đình là khó khả thi (Ảnh: Quốc Chính).

Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu để bảo vệ người bị bạo lực, do đó nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là phù hợp, ông có bình luận gì?

- Tôi nghĩ cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc gần với người bị bạo lực là cần thiết. Tuy nhiên, ban soạn thảo luật cần nghiên cứu, đưa ra các hành vi cụ thể nào thì bị cấm tiếp xúc từ 50m trở lên. Bởi có nếu hành vi bạo lực nào cũng bị cấm tiếp xúc gần thì khó mà thực hiện được.

Ví dụ tôi thực hiện hành vi bạo lực (ở mức có thể tha thứ được) vào buổi sáng, đến chiều tôi hối hận muốn đến gần để xin lỗi vợ nhưng vướng quy định không thực hiện được thì phải làm cách nào? Hay như trường hợp vợ tôi tha thứ cho hành vi bạo lực của tôi rồi, nhưng bố mẹ vợ không chấp thuận, vẫn đi báo chính quyền địa phương, công an ra quyết định cấm tiếp xúc gần thì sao?

Với quy định như vậy, theo ông liệu có làm khó cơ quan chức năng hay người ra các quyết định xử lý như Chủ tịch UBND xã, công an địa phương... trong quá trình thực thi nhiệm vụ hay không?

- Theo tôi, quy định cấm tiếp xúc gần dưới 50m như vậy là không khả thi. Thế nên cá nhân tôi và tôi tin nhiều đại biểu khác sẽ không bấm nút thông qua. Còn nếu muốn thông qua quy định như vậy thì ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra phải có giải trình cụ thể là vì sao buộc phải có quy định như vậy.

Thực tế tôi nghĩ, ban soạn thảo luật hay cơ quan thẩm tra có giải trình thế nào thì quy định này cũng khó được thông qua. Như tôi nói ở trên, mục tiêu của luật là phải bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Với những người như vợ chồng thì có rất nhiều vấn đề tế nhị, nên nếu quy định như vậy càng khiến họ khó làm lành với nhau. Ngay cả giữa cha mẹ với con cái, quy định như vậy, trong trường hợp nào đó, trẻ em lại thiếu đi sự chăm sóc cần thiết của cha mẹ.

Theo ông, trong luật cần quy định những trường hợp bạo lực gia đình nào nên giữ khoảng cách, cấm tiếp xúc gần?

- Với những trường hợp có hành vi bạo lực nhưng giữa vợ và chồng, giữa con cái và cha mẹ sẵn sàng tha thứ cho nhau thì không nhất thiết phải nghiêm cấm tiếp xúc gần.

Với những trường hợp chồng bạo lực vợ hay thậm chí vợ bạo lực chồng gây trọng thương, nguy hiểm đến tính mạng thì cần phải cách ly trong thời gian nạn nhân điều trị bệnh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cần phải linh hoạt, nếu người có hành vi bạo lực biết ăn năn hối lỗi rồi thì cũng phải bàn bạc cho tiếp xúc gần để có điều kiện chăm sóc người bị thương.

Theo tôi, cái cốt lõi, căn cơ của luật này là để phòng ngừa, răn đe những người có hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tạo điều kiện để hàn gắn rạn nứt cho những cặp vợ chồng. Cho nên, với những trường hợp biết hối lỗi và được người bị bạo lực tha thứ thì chính quyền địa phương và gia đình cũng phải tạo điều kiện để họ hàn gắn, yêu thương chứ không nên chia cắt họ ra.

Xin cảm ơn ông! 

Theo quy định của dự luật, người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.

Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc bị áp dụng biện pháp tạm giữ theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình. Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ giám sát thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc.

Trong trường hợp gia đình có đám cưới, đám tang hoặc các trường hợp đặc biệt khác, người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người ban hành quyết định cấm tiếp xúc dưới sự quản lý của công an xã nơi xảy ra tiếp xúc giữa người bị cấm tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình.

Dự kiến, ngày 14/6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).