1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vợ chồng nghèo và hai con tàn tật

(Dân trí) - Theo lời giới thiệu, chúng tôi tới thăm gia đình anh Phạm Đình Huyên tại thôn 1, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), có hai người con trai bị thiểu năng trí tuệ, đi lại rất khó khăn, phải thường xuyên có người bên cạnh giúp đỡ, nhưng vô cùng ham học.

Hai người con trai tật nguyền

 

Năm 1980, anh Phạm Đình Huyên xây dựng gia đình với chị Phan Thị Bạo, cuộc sống vợ chồng khá ấm êm, hạnh phúc. Chồng làm nghề thợ nề, vợ làm nghề nông; gia đình rộn tiếng cười của cô con gái đầu lòng.

 

Để lo cho cuộc sống của gia đình, anh Phạm Đình Huyên phải lăn lộn lên tận vùng miền núi Đakrông để làm thuê. Nhiều lúc thấy những vật dụng như khung cửa sắt cũ, viên gạch hoa, nhúm xi măng thừa mà nhà chủ không dùng đến, anh lại gom góp xin mang về tận dụng xây túp nhà nho nhỏ, làm nơi che nắng, che mưa cho cả gia đình.

 

Chỉ vào từng viên gạch trong ngôi nhà, anh Huyên nói: “Xuất xứ của từng viên gạch, cái nền nhà này là cả một sự tích về cuộc đời của tôi bởi đây là những thứ mà tôi đã ky cóp từ nhiều năm trong những lần đi làm”.

 

Năm 1993, căn nhà mới hoàn thành. Cũng thời gian này, vợ chồng anh gặp chuyện buồn. Đó là cậu con trai thứ hai, sinh năm 1990, tên Phạm Minh Tuấn, sinh ra vốn khỏe mạnh bình thường, một thời gian có dấu hiệu phát triển chậm. Đến khi thấy đám bạn bằng tuổi con đã chạy nhảy khắp nơi, hai vợ chồng mới vội vàng đưa con đi khám bệnh và được bác sĩ cho biết Tuấn mắc phải căn bệnh thiểu năng trí tuệ.

 

Từ đó không khí buồn tẻ bao trùm ngôi nhà. Chị Bạo mỗi lần nâng con lên trên đôi tay lại khóc. Anh Huyên thương vợ thương con, chẳng biết làm gì hơn ngoài việc lao vào kiếm tiền.

 

Một thời gian sau, hy vọng có thêm đứa con lành lặn, vợ chồng anh lại sinh người con thứ ba, đặt tên là Phạm Minh Tú. Nỗi đau nhân lên khi Tú cũng mắc căn bệnh giống hệt anh trai mình.

 

Anh Huyên gom góp, vay mượn thêm tiền, đưa ba mẹ con vào Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đà Nẵng chữa trị. Anh ở nhà kiếm tiền và chăm sóc cô con gái. Thời gian ở các bệnh viện để chữa bệnh cho các con kéo dài 5 năm, từ 1994-1999, căn bệnh của Tuấn và Tú có chuyển biến khá lên song do kinh tế quá khó khăn, anh chị không thể cố thêm nên đành đưa 2 con về nhà tự điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

Lúc này cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào số tiền anh đi làm hằng ngày, và số thóc thu được từ mấy sào ruộng mà địa phương cấp cho.

 

Ngày ngày, anh chị thay nhau bóp chân, ngâm nước nóng, tập đi cho các con. Nhiều khi đi làm cả ngày về đến nhà đã quá mệt, nhưng thương con, anh chị lại cần mẫn mỗi người chăm sóc một đứa.

 

Thương con, cho con cái chữ

 

Bệnh tật khiến việc học tập, đi lại của Tuấn và Tú không thể bằng người, nhưng bù lại hai cậu lại tỏ ra rất ham học. Nghĩ rằng đây là cách để các con có điều kiện hòa nhập với cộng đồng, anh chị lại cố gắng chắt bóp cho các con được đến trường.

 

Rất may mong muốn của anh Huyên và chị Bạo được chính quyền sở tại và nhà trường ủng hộ, động viên. Thế là ngày mưa cũng như ngày nắng, cả hai vợ chồng đều tận tụy đưa các con đi học. Từ lâu, người dân thôn 1, xã Hải Thọ đã quen với cảnh anh chị kẻ bồng, người bế con đến trường.

 

Chị Bạo tâm sự, nhiều khi đi làm chưa về nhà kịp, hai anh em Tuấn Tú đã dắt nhau tự bò tới lớp, chiều lại bò về nhà. Do phải lê chân, vặn mình khi di chuyển nên nhiều lần tay chân trầy xước, tứa máu. Mỗi lần như vậy, lòng người mẹ lại đau như cắt.

 

Nhờ sự chăm sóc và tập luyện của anh chị suốt gần 10 năm nay, bây giờ Tuấn và Tú đã tự đi lại được, tuy không được cứng cáp như người bình thường. Do cuộc sống vất vả, ngoài công việc đồng áng, nội trợ gia đình, lại phải lo cho hai người con bị bệnh tật nên chị Bạo đã mắc phải căn bệnh gai đôi cột sống, mọi công việc vất vả, nặng nhọc lại phải trông chờ vào người chồng.

 

Hiện nay, dù đã 18 tuổi nhưng Phạm Minh Tuấn vẫn đang theo học lớp 9A Trường THCS Hải Thọ; Phạm Minh Tú học lớp 3A Trường tiểu học số 1 Hải Thọ.

 

Dù sức học của các em còn yếu, ngày ngày phải đánh vật với từng con chữ, có khi hai năm một lớp, nhưng đó chính là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của cả bố mẹ và chính bản thân các em. Nghị lực vượt qua khó khăn của gia đình bất hạnh này khiến nhiều người dân địa phương cảm phục và quý mến.

 

Bài, ảnh: Hoài Lương