1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

VNPT trả lời khiếu nại của Viettel

Bộ Quốc phòng vừa có công văn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ về việc VNPT đã không đáp ứng nhu cầu kết nối cho các dịch vụ viễn thông của Viettel trong suốt 5 năm qua, khiến Viettel lao đao.

Viettel kêu cứu

 

Liên tiếp những ngày gần đây, Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đã gửi công văn “kêu cứu” đến Bộ Quốc phòng, Bộ Bưu chính Viễn thông. Theo đó, Viettel có nguy cơ phá sản nếu tình trạng kết nối khó khăn với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) kéo dài.

 

Viettel cho biết đã đầu tư gần 2.000 tỉ đồng xây dựng và phát triển mạng điện thoại di động Viettel Mobile với 1.800 trạm thu phát sóng, đảm bảo phục vụ 5 triệu thuê bao.

 

Đổ một số tiền khá lớn như vậy nhưng do không kết nối được với mạng VNPT nên nhiều khách hàng của Viettel đã ngừng sử dụng dịch vụ. Ước tính nếu trước đây mỗi ngày Viettel phát triển được 6.000 - 7.000 thuê bao di động mới, thì thời điểm hiện nay con số này đã tụt xuống còn 3.000.

 

Sự cố gắng của Viettel nói riêng và của các doanh nghiệp ngoài VNPT nói chung đều nhằm mục tiêu chiếm 25-30% thị phần viễn thông vào năm 2005 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tỉ lệ này hiện mới chỉ đạt dưới 10%.

 

Lý do là các doanh nghiệp ngoài VNPT muốn kết nối với các tổng đài nội hạt của VNPT ở các tỉnh, thành phải kết nối gián tiếp qua sáu tổng đài chuyển mạch của VNPT, đây chính là mấu chốt của sự phiền hà.

 

Trong suốt sáu tháng đầu năm nay, Viettel đã tám lần gửi công văn đề nghị VNPT tăng dung lượng kết nối nhưng không được đáp ứng đầy đủ khiến lưu lượng kết nối của Viettel thường xuyên ở mức cao và thường xuyên nghẽn mạch, dẫn đến việc khách hàng của Viettel phàn nàn về chất lượng mạng di động kém.

 

Cụ thể ngày 3/2, Viettel yêu cầu cung cấp 18 luồng (một luồng phục vụ 300.000 phút liên lạc điện thoại mỗi tháng) nhưng VNPT chỉ đáp ứng được tám luồng; ngày 7/2, Viettel yêu cầu đáp ứng tám luồng thì chỉ được đáp ứng bốn luồng; ngày 28/2 yêu cầu 11 luồng thì được đáp ứng hai luồng...

 

Công văn của Bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ có rất nhiều văn bản của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ yêu cầu VNPT với tư cách doanh nghiệp khống chế thị trường và nắm giữ phương tiện thiết yếu phải đảm bảo yêu cầu kết nối mạng của các doanh nghiệp mới.

 

Tuy nhiên, trong thời gian qua, dung lượng kết nối giữa mạng Viettel với mạng VNPT vẫn không được đảm bảo. VNPT chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu dung lượng kết nối giữa mạng di động Viettel với mạng VNPT.

 

Công văn nhấn mạnh: “Thực trạng VNPT không đáp ứng nhu cầu kết nối của Viettel đã diễn ra suốt năm năm qua đối với tất cả các dịch vụ viễn thông và ngày càng trầm trọng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, Viettel sẽ đứng trước nguy cơ phá sản...”.

 

Đại diện VNPT nói gì?

 

Trong một công văn phúc đáp yêu cầu của Viettel, VNPT nói rằng đã đáp ứng hầu hết số dung lượng kết nối giữa tổng đài chuyển mạch của VNPT với mạng Viettel nên không thể tăng thêm phần kết nối.

 

Tuy nhiên, Viettel cho rằng lời giải thích này không hợp lý vì để đáp ứng dung lượng kết nối 1.000 luồng cho Viettel, VNPT chỉ phải đầu tư khoảng 2 triệu USD, tương đương với 0,3% tổng vốn đầu tư hằng năm và nhận được của Viettel 50 triệu USD tiền cước kết nối.

 

Mặt khác, trong thời gian chờ đợi VNPT đầu tư, Viettel đã đề xuất xin được đầu tư phần kết nối phía tổng đài VNPT để có thể giải quyết nhanh dung lượng kết nối nhưng không được VNPT chấp thuận.

 

Chiều 27/6, phó tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng giải thích không phải VNPT gây khó dễ cho Viettel mà thực tế tổng đài chuyển mạch của VNPT đang áp dụng công nghệ cũ, nếu tiếp tục đầu tư mở rộng dung lượng cho Viettel sẽ không hiệu quả về kinh tế; trong khi đó thì Viettel được phép kết nối trực tiếp với các tổng đài nội hạt của VNPT, không cần thông qua tổng đài chuyển mạch của VNPT.

 

Ông Hùng cũng nói rằng không thể để tất cả các doanh nghiệp bám vào tổng đài chuyển mạch của VNPT, vì trong trường hợp có sự cố thì toàn bộ hệ thống liên lạc của các doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động và khi đó thiệt hại sẽ rất lớn.

 

Dù giải thích như vậy nhưng ông Hùng cho biết VNPT cũng đã quyết định đầu tư mở rộng dung lượng tổng đài chuyển mạch để ứng cứu Viettel, dự kiến việc mở rộng này sẽ kéo dài trong ba tháng. Ngoài ra, ông Hùng cho hay VNPT đã chỉ đạo bưu điện các tỉnh, thành tạo điều kiện cho Viettel được kết nối trực tiếp với các tổng đài nội hạt.

 

Theo dự kiến, trong tuần này Bộ Bưu chính - viễn thông sẽ đứng ra làm “quan tòa” phân xử vụ việc và sẽ có phán quyết cuối cùng.  

 

Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ