1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Vĩnh Phúc tu bổ, phục hồi 2 di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia đặc biệt

Phùng Minh

(Dân trí) - Tỉnh Vĩnh Phúc giao nhiều cơ quan phối hợp thực hiện tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đình Thổ Tang và Tháp Bình Sơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn vừa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu rà soát, hoàn thiện hồ sơ đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường) và Tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô) bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng.

Sở này có trách nhiệm công khai quy hoạch, rà soát ranh giới khu vực bảo vệ di tích; tham mưu đề xuất chủ trương đầu tư các nhóm dự án thành phần theo phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên.

Vĩnh Phúc tu bổ, phục hồi 2 di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia đặc biệt - 1

Đình Thổ Tang (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc).

"Xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình tham quan du lịch, tuyến du lịch… theo định hướng phát huy giá trị di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di tích thông qua mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng và internet", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc được giao chủ trì tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công cấp tỉnh để triển khai thực hiện các dự án thành phần tu bổ, phục hồi di tích. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND huyện Vĩnh Tường, Sông Lô cập nhật ranh giới, diện tích quy hoạch vào kế hoạch sử dụng đất của huyện và của tỉnh.

Đình Thổ Tang thuộc thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, được tạo dựng từ thế kỷ XVII. Trải qua thời gian, đến nay đình còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc thời Hậu Lê. 

Đình thờ danh tướng Lân Hổ, có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Hiện nay, suốt một dải từ Dục Mỹ - Sơn Vi (Phú Thọ) đến Vĩnh Tường - Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có hệ thống di tích thờ Lân Hổ. 

Đình Thổ Tang được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai tòa kiến trúc bố cục theo hình chữ "đinh". Đình có 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về chu trình: lao động - làm ăn - hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung hưng.

Trong khi đó, Tháp Bình Sơn tọa lạc trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (tên chữ là Vĩnh Khánh tự, hay còn được gọi là chùa Bình Sơn, chùa Then).

Kiến trúc tháp Bình Sơn mang dấu ấn độc đáo, xây dựng từ thời Lý - Trần vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn, và là ngọn tháp cao nhất được xây dựng bằng đất nung còn lại cho tới ngày nay.

Vĩnh Phúc tu bổ, phục hồi 2 di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia đặc biệt - 2

Tháp Bình Sơn là ngọn tháp cao nhất được xây dựng bằng đất nung còn lại cho tới ngày nay (Ảnh: UBND huyện Sông Lô).

Tháp Bình Sơn với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí hài hòa là di tích lịch sử, nghệ thuật vào bậc nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Theo UBND huyện Sông Lô, gần như không có thông tin lịch sử về tòa tháp, nhưng các truyền thuyết dân gian gắn với tòa tháp có khá nhiều.

Hiện nay, tháp còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ (cao 16,5m). Tháp hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn. Tháp được xây bằng 13.200 viên gạch nung.

Bên ngoài, xung quanh Tháp Bình Sơn được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc ... Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm