1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vĩnh Phúc: Tan hoang ruộng đồng sau mưa lũ

(Dân trí) - Trận mưa lũ lịch sử qua đi “xóa” luôn vụ đông bội thu của bà con nông dân. Những cánh đồng ngô, khoai xanh biếc nay trở thành những bãi “hoang tàn”. Sau lũ, công việc chính vụ của người nông dân là... dọn ruộng.

Hơn một tháng sau trận mưa lũ lịch sử hồi đầu tháng 11 vừa qua, chúng tôi về xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất và tận mắt chứng kiến cảnh người nông dân đang vật lộn với những “tàn tích” mà lũ để lại trên cánh đồng tan hoang.

Trong mưa lũ, chân ruộng cao, chân ruộng thấp bạt ngàn rau màu đều bị “vùi” trong nước. Cùng cực gồng mình chống chọi với lũ, thế nhưng đến giờ người dân vẫn không thể nói hết nỗi xót xa khi nhìn vụ mùa bội thu của mình nằm “trải thảm” trên khắp những cánh đồng “chết”.
 
Vĩnh Phúc: Tan hoang ruộng đồng sau mưa lũ - 1
Những "cánh đồng hoang" sau mưa lũ
Ông Nguyễn Văn Tân (ở xóm Văn Chỉ, thôn Đinh Xá) than thở: “Đấy, mất hết rồi, giờ chỉ biết đi dọn ruộng thôi. Người nông dân đã khổ nay mất mùa lại càng khổ hơn”.

Tại khu đồng Tròn (thôn Đinh Xá, xã Nguyệt Đức), trong những ngày này, người dân đang tất tả dọn ruộng. Thời vụ đã qua lâu nên chẳng còn loại cây đông nào có thể trồng thay thế, bà con chỉ biết cày ruộng lên để phơi đất nỏ và chờ đến vụ sau sản xuất tiếp.

Gia đình chị Tạ Thị Thanh Giang (ở xóm Cuối, Đinh Xá), cả ruộng nhà và ruộng thầu mới có vỏn vẹn 5 sào. Những tưởng thời tiết thuận lợi như mọi năm nên vụ đông này chị đầu tư trồng ngô và đậu tương trên toàn bộ diện tích. Nhưng, mưa lũ đã “cướp” đi “sạch sành sanh” cả 5 sào hoa màu.

Chị Giang tâm sự: “Nông dân chúng tôi làm ruộng chủ yếu trông chờ vào thời tiết, ông giời cho ăn thì được ăn, giờ hoa màu đều mất trắng… chết đói mất!”
 
Vĩnh Phúc: Tan hoang ruộng đồng sau mưa lũ - 2
Cày đất nỏ, chờ sản xuất vụ sau
 
Tỉnh dậy sau trận lụt thế kỷ, các hộ nuôi trồng thuỷ sản vẫn “ngẩn ngơ” vì xót của. Hàng trăm ha diện tích nuôi trồng bị nước san bằng phẳng. Nước tràn bờ, cá theo dòng “đi về nơi xa” khiến người dân trắng tay và giờ lại nháo nhác đi tìm nguồn vốn vay để đầu tư mua giống và thả lứa cá mới.
 
Ông Nguyễn Viết Hướng, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức, cho biết: “Nguyệt Đức là địa phương trũng nhất huyện nên trở thành nơi chứa nước từ mọi ngả dồn về. Trận lụt này, hoa màu mất hoàn toàn, thiệt hại về nuôi trồng thuỷ sản lên tới 90%. Hiện tại, thời vụ đã qua lâu nên bà con không kịp để sản xuất cây đông mà chỉ có thể trồng rau màu ngắn ngày”.
 
Vĩnh Phúc: Tan hoang ruộng đồng sau mưa lũ - 3
Một sào ngô "bằng" một đống tro tàn
Năm hết Tết đến, trời mỗi ngày một rét hơn, nhưng ngày mai, ngày kia và cả những ngày sau nữa, người dân Nguyệt Đức sẽ phải bươn chải tìm nghề kiếm sống với hi vọng Tết này trẻ con, người già lại được quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa và không phải sống trong cảnh thiếu gạo, đói ăn phổ biến cách đây gần chục năm!
 
Châu Như Quỳnh