Vĩnh Phúc nỗ lực thực hiện Đề án 06, xây dựng công dân số
(Dân trí) - Vĩnh Phúc đang tập trung cao độ cho việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính, hình thành những công dân số.
Bám sát các nội dung Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc và yêu cầu từng sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác thực hiện đề án. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao Công an tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, xác định rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm, 63 nhiệm vụ cụ thể gắn với 5 nhóm tiện ích.
Sở Thông tin và Truyền thông được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về đề án, lựa chọn thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thiện hồ sơ đăng ký thông tin phục vụ kết nối Cổng dịch vụ công tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp nâng cao chất lượng dịch vụ.
Triển khai 5 nhóm tiện ích
Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai 5 nhóm tiện ích, gồm: Nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công dân số; hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và nhóm tiện ích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Vĩnh Phúc đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội...
Nỗ lực hình thành những công dân số, Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử tại các cơ sở y tế. Công an tỉnh chỉ đạo bộ phận tiếp dân hướng dẫn công dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến; mở đợt cao điểm "90 ngày đêm" thực hiện các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu khi Luật Cư trú năm 2020 hết hiệu lực; tăng cường rà soát làm sạch dữ liệu dân cư, tăng thời gian trực tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước công dân tại các điểm cố định đến 22 giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Tính đến 30/9, toàn tỉnh thu nhận 890.731 hồ sơ/969.342 công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm căn cước công dân có gắn chíp, đạt 92%; 165/179 cơ sở y tế tra cứu thành công căn cước công dân gắn chíp; gần 530.000 công dân có căn cước công dân đồng bộ với thẻ y tế, chiếm 47,2% số người tham gia bảo hiểm y tế.
Thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cập nhật, làm sạch dữ liệu 94.616/362.555 trẻ dưới 16 tuổi; số hóa 87.630/138.000 hồ sơ người có công, cập nhật quản lý dữ liệu 5.207 hộ nghèo và 7.271 hộ cận nghèo. Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh ứng dụng 20 phần mềm nghiệp vụ, đưa ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID vào hoạt động, kết nối gần 85.000 mã bảo hiểm xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh, một số sở, ngành, địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp, người dân vẫn chủ yếu tới trụ sở để nộp hồ sơ trực tiếp; tiến độ thực hiện số hóa và điện tử hóa quy trình để cắt giảm bớt các giấy tờ còn chậm; chỉ tiêu cấp căn cước công dân đạt thấp; công tác làm sạch, làm giàu dữ liệu dân cư chưa bảo đảm yêu cầu "đúng, đủ, sạch, sống".
Tập trung triển khai thực hiện tốt 11 nhóm nhiệm vụ
Để khắc phục những bất cập trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện tốt 11 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, trọng tâm là quán triệt thực hiện tốt các nội dung của Đề án 06. Tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức, tư duy, chuyển đổi giai đoạn tổ chức thực hiện sang đánh giá, kiểm điểm quá trình tổ chức thực hiện. Triển khai thực hiện tốt Nghị định số 59 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử. Tăng cường các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án 06 sơ kết công tác 9 tháng đầu năm mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ về hướng dẫn người dân tra cứu thông tin, sử dụng thông báo số định danh cá nhân, sử dụng giấy chứng nhận, giấy xác thực nơi cư trú.
Công an tỉnh phải hoàn thành nhiệm vụ cấp căn cước công dân trước 30/12. Sở Y tế tham mưu triển khai 100% cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám chữa bệnh thay thẻ bảo hiểm y tế. Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu triển khai giải pháp không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu triển khai cấp tài khoản an sinh xã hội và hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Công an tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện việc xếp loại, đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với việc tổ chức thực hiện Đề án 06.