Vĩnh biệt một tính - cách - Quảng
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân - chính khách tinh tế, sâu sắc, quyết liệt mà chân tình - vừa từ trần.
Tôi không nghĩ là anh Mai Thúc Lân đã ra đi. Những năm gần đây, gặp anh khi anh vừa qua trận ốm do căn bệnh hiểm nghèo, người đã nhỏ lại càng gầy thêm nhưng đôi mắt vẫn sáng quắc, tay run run chém vào không khí mỗi khi nói về những vấn đề lớn của đất nước. Anh là một tính - cách - Quảng đúng nghĩa. Anh không phải là người khéo léo, đôi lúc quyết liệt quá mức có thể làm mất lòng một số người. Nhưng một khi đã hiểu anh thì thấy rõ đây là một con người chân tình, thẳng thắn. Đích cuối cùng là giải quyết được việc chung, vì lợi ích chung. Những người như thế thường là có góc cạnh, vì thế, khi họ ra đi vĩnh viễn, trong tâm trí những người ở lại là cứ hiển hiện, không nhòe mờ.
Ông Mai Thúc Lân đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đà Nẵng hồi năm 1995 Ảnh: NHẤT NAM
Anh về đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng trong một thời điểm khó khăn và khá tế nhị, khi cùng lúc phải thay đổi cả 2 vị trí bí thư và chủ tịch tỉnh. Thời điểm ấy, tôi làm chánh văn phòng. Tuy trực tiếp dưới quyền anh không lâu nhưng ấn tượng trong tôi rất đậm nét về cách xử lý công việc, tình huống của anh; kể cả những tình huống phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến công tác cán bộ. Những lúc phải phân vân chọn lựa các phương án, anh dành phần lớn thời gian đi gặp gỡ cán bộ tham mưu, các đồng chí lão thành và hòa mình vào cơ sở, lăn lộn với phong trào, kể cả những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, những vùng cơ sở của chúng ta trong chiến tranh để tìm ra lời giải đáp cho những vấn đề đang đặt ra. Anh là con người của hành động. Những việc làm của anh như là sự đền đáp một phần trước sự hy sinh quá to lớn của quê hương đã từng nuôi anh trưởng thành.
Nhưng trong con người ấy cũng chất chứa rất nhiều khoảng lặng của một tâm hồn nhạy cảm, yêu thương vợ con, gia đình, thông cảm với rất nhiều cảnh ngộ mà anh từng gặp trong quá trình công tác ở địa phương. Anh cũng là người rất quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Và một trong những địa chỉ mà anh thường lui tới thăm hỏi, chia sẻ là anh chị em văn nghệ sĩ. Trong phòng anh, Tuần báo Văn nghệ luôn nằm ở vị trí dễ nhận thấy bởi anh đọc thường xuyên. Những lúc rảnh rỗi, biết tôi cũng là người sáng tác, anh hay trao đổi với tôi về những nhận xét rất riêng của anh về những tác phẩm, tác giả đang có vấn đề trong dư luận. Bề ngoài của anh không toát ra vẻ hào hoa nhưng có điều chắc là với văn học nghệ thuật, anh là người thấu hiểu và anh mang đậm chất nghệ sĩ trong mình. Chất nghệ sĩ được tạo bởi tâm hồn xứ Quảng, cộng thêm cái tinh tế của xứ Kinh Bắc - nơi anh đã có một thời gian dài sống và làm việc. Ngay nhan đề cuốn hồi ký của anh viết về những năm tháng hoạt động đã qua, anh đặt tên là Chuyện đời ấm lạnh buồn vui cũng đủ thấy cái chất nghệ sĩ trong con người làm chính trị nơi anh.
Không thể viết nhiều về anh trong một bài viết ngắn nhưng trong lúc ghi vội những dòng này như thắp một nén tâm hương tưởng nhớ anh, tôi vẫn cảm thấy đây là lúc mình được lắng lại để nghĩ nhiều, thật nhiều về những con người như Mai Thúc Lân - những cuộc đời trong sáng, thẳng thắn, quyết liệt, không khoan nhượng để bảo vệ cái đúng, cái tốt.
Giờ nhớ lại, đôi khi sau giờ làm việc, trước khi rời cơ quan, tôi thường thấy anh lững thững trong sân văn phòng. Nhìn cái dáng anh lọt thỏm giữa không gian tĩnh lặng buổi chiều, tôi không nghĩ một người như thế đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, từng làm Chủ tịch UBND một tỉnh lớn ở phía Bắc, từng làm Ủy viên Thường vụ Quốc hội, phụ trách mảng kinh tế ngân sách, rồi về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, khi tách tỉnh lại về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội (khóa X); năm 2007, anh được nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Dường như những công việc khó khăn, anh luôn sẵn sàng nhận về mình bởi những con người như vậy thường rất bình dị. Như lúc này đây, anh ra đi bình thản bởi đã sống thật, sống hết mình với tất cả những gì mà anh đã có, đã nặng lòng.
Xin được vĩnh biệt anh và chia sẻ nỗi đau này với gia quyến.
Ông Mai Thúc Lân sinh năm 1935, quê quán xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau một thời gian lâm bệnh, lúc 5 giờ 5 phút ngày 29-10, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; thọ 79 tuổi.
Theo dự kiến, lễ tang ông Mai Thúc Lân sẽ được tổ chức trọng thể tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 4-11. |
Theo Bùi Công Minh
Người lao động