Vĩnh biệt “cây đại thụ” của đất võ Bình Định
(Dân trí) - Võ sư Phan Thọ, người tinh thông 18 loại binh khí, nổi tiếng với câu nói: “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”, được giới võ thuật mệnh danh là huyền thoại làng võ Bình Định, vừa qua đời ở tuổi 89 tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Đệ nhất quyền An Vinh
Lão võ sư Phan Thọ sinh năm 1926, người làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông bắt đầu học võ năm 17 tuổi, môn võ đầu tiên mà ông học là quyền An Vinh.
Sau gần 20 năm đánh đổi cả tuổi trẻ để theo học võ thuật, thậm chí lúc khốn khó mà ông vẫn bàn với vợ bán cả cặp bò là tài sản lớn của gia đình để quyết tâm đi học võ. Ông lần lượt theo bái sư các thầy Diệp Trường Phát (Tàu Sáu), Lê Hải (Sáu Hà), Đinh Hề (Hương Kiểm Mỹ), Hồ Ngạnh… Ở mỗi người thầy, đại diện cho một môn phái, có thế mạnh riêng ông đều lĩnh hội cho mình một tinh hoa võ học riêng. Tuy nhiên, dù tinh thông 18 ban binh khí nhưng sở trường của võ sư Phan Thọ vẫn là quyền của phái An Vinh.
Đến nay, nhắc đến võ sư Phan Thọ người yêu võ Bình Định vẫn luôn lưu truyền những câu chuyện truyền kỳ về ông với những chiến tích phi thường như 3 lần đánh bại võ sĩ Đại Hàn (nay là Hàn Quốc) hay một mình hạ thủ một một con heo rừng hung tợn nặng gần 2 tạ, phá hoại mùa màng, tấn công cả dân làng.
Theo giới võ học Bình Định, ngày đó ông là một thanh niên trai tráng, khi nghe bà con báo tin có một con heo rừng rất hung tợn phá hoại mùa màng, tấn công cả người. Không kịp mặt áo, ông cầm cây đòn gánh mà không phải đòn gánh thường mà nguyên một gốc tre chạy ra đồng. Cuộc tử chiến vô cùng ác liệt giữa người và mãnh thú diễn ra. Con heo hung hăng xông vào húc Phan Thọ, còn ông thì lẹ làng né tránh đồng thời vận dụng những đòn thế hiểm bổ vào đầu, lưng nó. Cuối cùng sau gần 3 giờ đồng hồ tử chiến, võ sư Phan Thọ đã hạ gục mãnh thú to lớn và hung hãn. Kỷ niệm về cuộc chiến sinh tử để đời đó là bộ răng nanh dài quá khổ của mãnh thú mà đến nay ông vẫn còn giữ.
Năm 1972, một võ sư taekwondo đệ ngũ đẳng huyền đai, vốn là một sĩ quan quân đội Nam Hàn có ý chê võ cổ truyền Việt Nam và đã tìm đến ông gửi lời khiêu chiến. Tự ái dân tộc, võ sư Phan Thọ nhận lời thách đấu. Khi đó, võ sư Phan Thọ chỉ 58 kg còn viên sĩ quan kia to cao, nặng trên 80 kg. Vừa thượng đài, đối thủ không thèm chào sân mà xáp vào đá liên hoàn cước. Biết được thế mạnh của taekwondo là các đòn chân, võ sư Phan Thọ cứ để viên sĩ quan ra chân thoải mái, còn ông chỉ né đoàn, rồi bất ngờ tung ra tuyệt chiêu Độc xà thám nguyệt, hạ nốc ao đối thủ khiến đối thủ phải tâm phục khẩu phục.
Chưa dừng lại ở đó, năm 1998, dù ở tuổi 73 nhưng võ sư Phan Thọ bị ép vào thế cùng nên đã chấp nhận lời thách đấu của võ sĩ Hàn Quốc mới 30 tuổi. Cũng với chiêu "Độc xà" đã "Thám nguyệt", tay võ sĩ người Hàn bị một chưởng bay lên cao rồi rơi cái ịch xuống sân gạch, không nhúc nhích, mọi người phải khiêng lên ô tô cấp cứu. Tỉnh lại, anh ta thừa nhận đã nhận định sai về võ cổ truyền Việt Nam.
Cha truyền con nối
Võ sư Phan Thọ được xem là nguồn tư liệu sống về võ cổ truyền Bình Định. Sinh thời, ông là người thừa kế di sản đồ sộ của môn phái quyền An Vinh, giữ lửa cho làng quyền An Vinh có lịch sử trên 200 năm tuổi.
Có rất nhiều câu chuyện kể về cuộc đời và những thăng trầm trong nghề võ của lão sư Phan Thọ. Khi nói về ông, tiếng tăm lẫy lừng của ông được người ta đời biết đến ông như “cây đại thụ” của võ thuật cổ truyền Việt Nam, một bộ từ điển sống về những bản quyền cổ của võ thuật Bình Định. Võ sư Phan Thọ được biết đến một võ sư tinh thông thập bát ban binh khí (18 môn binh khí). Vốn liếng võ nghệ của ông là kết tinh đỉnh cao của ba làng võ An Vinh, An Thái, Thuận Truyền nức tiếng của Bình Định xưa kia.
Trải qua hàng chục năm khổ luyện, võ sư Phan Thọ đã đạt đến cảnh giới thượng thừa của võ thuật cổ truyền song ông vẫn sống rất giản dị, mộc mạc như chính con người Bình Định. Tiếng tăm giỏi võ của võ sư Phan Thọ vang lừng khắp cả nước, thậm chí lan ra cả nước ngoài nên có nhiều võ sinh ở khắp cả nước về theo học. Đến nay, 18 môn binh khí của võ cổ truyền xuất phát từ thời phong trào nông dân Tây Sơn (thập bát ban binh khí), gồm: quyền, roi, siêu, kiếm, đao, độc tiên (tức khăn xéo), thương, kích, giảng, thủ, chùy, mỏ gẩy, xà mâu, côn, xích, thước, ba chĩa và trống thiên cung đều được võ sư Phan Thọ đem ra truyền lại cho các học trò.
Các thế hệ học trò của võ sư Phan Thọ, như: Đỗ Hượt, Lê Công Hoàng, Kim Dũng, Phan Trường Hận, Nguyễn Xuân Nam… đều thành danh trong nghiệp võ. Trong đó, Đỗ Hượt từng đánh nốc ao võ sĩ ngũ đẳng huyền đai người Đại Hàn trên sàn đấu Tây Sơn. Ông Hượt còn nổi tiếng trong trận giáp chiến tại cầu Đập Bộng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), một mình ông đương đầu với một trung đội lính Đại Hàn trang bị lưỡi lê sáng quắc. Bị chúng bao vây và tới tấp, đâm lê vào người, Đỗ Hượt vừa đánh vừa tránh đòn rồi chui xuống cống Đập Bộng để thoát thân.
Đặc biệt, hai người con của võ sư Phan Thọ, võ sư Phan Thanh Sơn dạy võ ở tỉnh Bình Dương, còn võ sư Phan Hữu Đức đang dạy võ tại Quy Nhơn. Các cháu của võ sư Phan Thọ cũng rất nhiều người theo nghiệp gia truyền và được ông truyền lại các chiêu thức của 18 môn binh khí.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay võ sư Phan Thọ đã đào tạo, truyền dạy hàng ngàn môn sinh, trong đó có trên 100 võ sư, HLV võ dân tộc và hầu hết đã thành danh, góp phần kế tục sự nghiệp của ông. Đặc biệt, dòng họ Phan của ông là một trong những dòng họ có truyền thống võ học lâu đời, được truyền nối qua nhiều thế hệ - xứng danh là dòng họ võ học trên quê hương đất võ Bình Định.
Doãn Công