Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm:
“Việt - Nga, mối quan hệ bắt nguồn từ gốc rễ bền chặt”
(Dân trí) - Có lẽ hiếm ai hiểu sâu sắc, tường tận mối quan hệ Việt - Nga như nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm. Từ năm 1952, ông đã từng làm phiên dịch tiếng Nga cho Đại sứ VN đầu tiên tại Liên Xô và sau này ông đã có một số năm giữ cương vị đại sứ tại đây.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm (Ảnh Việt Hưng)
Từng là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền tại Liên Xô, ông có thể khái quát những nét chính trong lịch sử 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô trước đây cũng như Việt Nam - Liên bang Nga sau này?
Ngày 30/1/1950, Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi đầu mối quan hệ truyền thống bền chặt và quý báu giữa các dân tộc trong Liên bang Xô Viết và nhân dân Việt Nam, trên nền tảng cùng chung lý tưởng, cùng chung mục tiêu phấn đấu.
Liên bang Xô Viết gồm 15 nước cộng hòa, trong đó, Liên bang Nga xét về quá trình lịch sử, địa lý cũng như dân số và tài nguyên là nước cộng hòa lớn và quan trọng nhất. Các dân tộc trong Liên bang Xô viết, trước hết là nhân dân Nga lại rất có cảm tình với nhân dân Việt Nam.
Thời kỳ tồn tại và phát triển của Liên bang Xô Viết, nước XHCN đầu tiên trên thế giới, đã giành cho nhân dân Việt Nam một sự ủng hộ nhiệt tình và giúp đỡ to lớn cả trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất tổ quốc lẫn trong công cuộc xây dựng hòa bình phát triển đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, sự giúp đỡ của Liên Xô cho nhân dân ta là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, để lại nhiều công trình thế kỷ như Thủy điện Hòa Bình và cầu Thăng Long…
Cuối năm 1991, Liên Xô tan rã. Do vị trí và vai trò của Liên bang Nga trong Liên bang Xô Viết, nên sau khi Liên Xô tan rã, quyền lợi và nghĩa vụ quốc tế của Liên Xô được chuyển sang cho Liên bang Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã, thời gian 10 năm đầu tiên do điều kiện khách quan, quan hệ giữa ta và Liên bang Nga nói chung bị đình trệ, trừ một vài công trình hợp tác được thiếp lập từ hồi còn Liên Xô như về dầu khí. Nhưng cũng chính trong thời gian đó, tháng 6/1994, do sự chủ động của ta, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu đã thăm Liên bang Nga và hai bên đã ký “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga”, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn phát triển mới.
Phải đến năm 2001, với kết quả của chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Putin, sau khi ông lên làm Tổng thống được một năm, và trong chuyến thăm đó, hai bên ra thông cáo chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Kể từ đó, quan hệ hai nước được từng bước phục hồi.
Năm 2012, hai nước quyết định nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Nga, đưa quan hệ hai nước sang một giai đoạn mới.
Các cuộc thăm cấp cao lẫn nhau có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước. Hơn 10 năm qua các chuyến thăm này diễn ra thường xuyên. Về phía ta, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã thăm Liên bang Nga. Có đồng chí thăm hai lần, có đồng chí thăm ba lần.
Về phía Nga, Tổng thổng thăm Việt Nam ba lần, ba Thủ tướng và Chủ tịch Hạ viện cũng đã thăm Việt Nam.
Do đó, quan hệ chính trị đã diễn ra tốt đẹp. Hai nước có độ tin cậy cao lẫn nhau, đồng quan điểm về các vần đề quốc tế và khu vực thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng.
Dưới góc nhìn của nhà kinh tế (trước khi làm Đại sứ tại Liên Xô, ông Nguyễn Mạnh Cầm từng làm Thứ trưởng Bộ Ngoại thương), ông nhìn nhận như thế nào về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nga hiện nay?
Quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga không ngừng được đẩy mạnh. Về thương mại, kim ngạch hai chiều hiện nay đạt khoảng 3,7 tỷ USD. Được biết là hai bên đặt mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hai nước đã công nhận nền kinh tế thị trường của nhau và thỏa thuận sẽ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstanvào đầu năm 2015.
Về đầu tư, hiện nay Nga có khoảng trên 100 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD, đứng thứ 17, trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, kể cả năng lượng nguyên tử; khai khoáng và công nghiệp chế biến…
Hợp tác quốc phòng là một ưu tiên mang tính truyền thống. Là đối tác tin cậy, Nga cung cấp cho ta các vũ khí, các thiết bị quân sự hiện đại như tàu ngầm thế hệ mới, máy bay chiến đấu để giúp ta hiện đại hóa quân đội và bảo vệ độc lập, chủ quyền.
Hai bên cũng đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, nơi quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu và chuyên gia của hai nước, một cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành có uy tín với các trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại và đồng bộ.
Mối quan hệ Việt - Nga luôn được đánh giá là tốt đẹp ở nhiều lĩnh vực nhưng nhìn từ góc độ kinh tế thì chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác. Theo ông, đâu là trở ngại cho lĩnh vực này?
Tuy kim ngạch thương mại Việt - Nga đã tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Liên bang Nga chỉ chiếm gần 1% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới.
Hiện nay, Nga mới chỉ là đối tác thương mại thứ 23 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 25 của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga là nguồn hàng nhập khẩu thứ 19 của ta.
Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang Nga, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng... của các quốc gia khác đã có mặt trên thị trường nước này.
Một trở ngại nữa là chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga khá cao vì phải vòng qua các cảng châu Âu rồi mới tới Nga, hoặc nếu tiếp cận từ các cảng phía Đông Nga thì phải di chuyển một cung dường dài từ Đông sang Tây khiến chi phí phát sinh rất lớn.
Vì vậy, muốn thâm nhập, mở rộng thị trường, tăng thị phần hàng hóa Việt Nam tại Nga đầy tiềm năng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ hơn nữa thị trường này. Doanh nghiệp Việt cần chủ động, tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, tranh thủ mọi cơ hội tốt đưa hàng hóa của mình vào Nga song song với nỗ lực nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu do phía Nga đặt ra.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan dự kiến được chính thức ký kết đầu năm 2015 sẽ tạo điều kiện cho các luồng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của hai nước được lưu thông một cách dễ dàng hơn, giảm thiểu các chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng một cách vững chắc các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh Thuế quan nói chung cũng như với Liên bang Nga nói riêng.
Là một nhà ngoại giao và hiện nay làm việc trong lĩnh vực khuyến học, ông có đánh giá gì về sự giúp đỡ của Nga với giáo dục Việt Nam?
Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước, ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Có thể nói đây là một trong những lĩnh vực hợp tác nổi bật nhất giữa hai nước.
Khi còn Liên bang Xô viết, đây là “cái nôi” đào tạo nên các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam. Chính lực lượng này đã trở thành nòng cốt trong công cuộc thống nhất và xây dựng Tổ quốc sau này.
Hiện nay mỗi năm, hàng trăm sinh viên Việt Nam tiếp tục sang Nga học tập, phần lớn được chính phủ Nga cấp học bổng, một bộ phận đi theo con đường tự túc hoặc do ngành hoặc đơn vị cấp kinh phí, và hiện có gần 6.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây.
Hai nước cũng đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Việt Nam, đây không chỉ là biểu tượng cho sự hợp tác giữa hai quốc gia mà còn thể hiện quyết tâm chính trị của hai chính phủ. Thông qua dự án này, các giảng viên Nga sẽ sang Việt Nam giảng dạy, giúp đưa nền giáo dục của Nga đến gần Việt Nam hơn. Điều này sẽ trở thành hiện thực trong quá trình thực hiện Hiệp định về hợp tác giáo dục giữa hai nước ký năm 2005 và Hiệp định về việc hai nước công nhận tất cả các văn bằng, chứng chỉ, học hàm, học vị của nhau.
Tại cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2014, Tổng thống V.Putin cam kết Nga sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo cán bộ trong những lĩnh vực mà Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.
Việc hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ giáo dục-đào tạo lên tầm chiến lược cùng với khoa học-công nghệ thể hiện tầm quan trọng của lĩnh vực này trong quan hệ hai nước.
Tình hữu nghị Việt - Nga là mối quan hệ gắn bó và không gì có thể lay chuyển. Trong bối cảnh thế giới có những biến động với những lợi ích ràng buộc và đan xen lẫn nhau, Nga và Việt Nam cần làm gì để giữ gìn mối quan hệ lâu dài đó?
Đúng là quan hệ Việt - Nga là mối quan hệ hiếm có vì nó bắt nguồn từ gốc rễ bền chặt của nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và tương trợ lẫn nhau. Mối quan hệ này đã được kiểm nghiệm và thử thách qua thời gian.
Trong bài viết trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tháng 11/2013, Tổng thống Nga Putin viết, “tình hữu nghị giữa Nga và Việt Nam đã vững vàng vượt qua được những thử thách nảy sinh từ nhiều sự kiện bi thương của thế kỷ XX cũng như những biến đổi kỳ vĩ trên thế giới và ở hai đất nước chúng ta. Song có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi-đó là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, là truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau...”.
Trong chuyến thăm Nga vào tháng 11/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chính sách nhất quán củaViệt Nam là luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam”.
Trong bản tuyên bố chung về trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã khẳng định tiếp tục đường lối tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga thông qua đẩy mạnh hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Những điều khẳng định của nguyên thủ quốc gia hai nước đã thể hiện nguyện vọng và quyết tâm không chỉ của lãnh đạo mà còn là của nhân dân hai nước đang ra sức phấn đấu đưa quan hệ Việt-Nga phát triển ngày càng tốt đẹp và bền vững. Những thành tựu trong hợp tác song phương thời gian qua là căn cứ cho niềm tin của chúng ta vào tương lai tốt đẹp và vững chắc của quan hệ Việt - Nga trước bất cứ sự biến động nào của tình hình quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nam Hằng (thực hiện)