1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt Nam và Anh trao đổi kinh nghiệm giải quyết khiếu nại báo chí

(Dân trí)- Bộ Thông tin và Truyền thông và Đại sứ quán Anh vừa phối hợp tổ chức Hội thảo Giải quyết khiếu nại và hòa giải trong lĩnh vực báo chí tại Quảng Ninh, với sự tham dự của gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan chức năng và báo chí trong cả nước.

Việt Nam và Anh trao đổi kinh nghiệm giải quyết khiếu nại báo chí - 1

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Đỗ Quý Doãn nói: “Việc xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp và thiết lập được một cơ chế hữu hiệu giải quyết khiếu nại báo chí sẽ tạo điều kiện nâng cao uy tín của báo chí, nâng cao độ tin cậy vào báo chí như là một nhân tố giúp nâng cao nhận thức của công chúng và phục vụ lợi ích của công chúng”.

Hội thảo mang lại cơ hội quý báu để các chuyên gia Việt Nam trao đổi ý kiến với ông Ian Beales, chuyên gia hàng đầu của Anh trong lĩnh vực luật báo chí. Ông Ian Beales cũng là tác giả của cuốn Cẩm nang hướng dẫn thực hiện Bộ Quy tắc hành nghề của các Tổng Biên tập, được các tờ báo của Anh sử dụng rộng rãi.

Cục trưởng Cục Báo Chí, ông Hoàng Hữu Lượng đã chủ trì các cuộc thảo luận sôi nổi xoay quanh một số vấn đề nổi bật trong công tác xử lý khiếu nại báo chí như: Thực tế xử lý khiếu nại của các cơ quan báo chí; Các khía cạnh pháp lý hiện hành trong việc giải quyết khiếu nại và hòa giải.

Các đại biểu Việt Nam cũng đã trao đổi với ông Ian Beales về các mô hình quản lý báo chí và về tầm quan trọng của việc có một Bộ quy tắc hành nghề dành cho người làm báo.

Ông Ian nói: “Không có một mô hình quản lý nào có thể  áp dụng cho tất cả môi trường báo chí.  Mỗi hệ thống quản lý phải phản ánh giá trị chính thống của nước sở tại. Các vấn đề có thể tương tự, nhưng giải pháp là khác nhau. Việt Nam cần xác định vấn đề của mình và quyết định chọn giải pháp phù hợp”.

"Tôi tin báo chí có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong việc chia sẻ thông tin mà còn khuyến khích trách nhiệm giải trình nhằm giúp thúc đấy Việt Nam tiếp tục phát triển. Vì sao ? Báo chí khắp nơi đã chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu giúp tiếng nói của dân chúng được lắng nghe. Nó tiếp sức cho các phản ứng quyết liệt đối với tham nhũng và khuyến khích đóng góp các ý kiến  từ nhiều thành phần vào quá trình ra chính sách. Có rất nhiều ví dụ mạnh mẽ về vai trò tích cực của báo chí tại Việt Nam", Phó Đại sứ Anh Kate Harrisson nói.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu thống nhất sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin và làm việc cùng nhau nhằm sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết khiếu nại liên quan tới báo chí ở Việt Nam.

Vũ Văn Tiến - Cẩm Hà