1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Việt Nam: Từ cá basa đến máy tính

(Dân trí) - Việc được Intel chọn làm địa điểm xây dựng nhà máy mới đã góp phần khiến Việt Nam dần trở thành trung tâm sản xuất-chế tạo có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Dưới đây là bài viết của tác giả Frederik Balfour, đăng tải trên tạp chí Business Week, nói về Việt Nam như một địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ thông tin.

 

Từ lâu, Việt Nam đã được biết đến là một điểm sản xuất giá rẻ của hãng giày thể thao Nike, hãng thời trang Liz Claiborne, và các hãng nội thất gỗ, bên cạnh việc là một nước xuất khẩu cà phê, cá da trơn và gạo lớn. Tuy nhiên, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đang giúp đất nước 84 triệu dân này có nền tảng để trở thành một trung tâm lớn ở Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử.

 

Thế giới bắt đầu chú ý tới Việt Nam hơn sau khi Intel tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp chip bán dẫn tại Việt Nam. Đúng như dự đoán, dự án trị giá 1 tỷ USD của Intel có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam và thu hút sự quan tâm của các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

 

Theo lời ông Henry Nguyễn, Giám đốc IDG Ventures Vietnam, đang bắt đầu diễn ra “hiệu ứng Intel”.

 

Việc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng 1/2007 cũng được nhìn nhận như một cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, và mới đây, Việt Nam đã công bố một chiến lược đầy tham vọng nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện tử lên mức 5 tỷ USD vào năm 2010.

 

Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử trong nước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 34,1% so với năm 2005.

 

Làn sóng đầu tư

 

Mục tiêu đầy tham vọng trên của Việt Nam được đặt ra dựa trên cơ sở một số dự án đầu tư lớn đã bước vào triển khai. Tập đoàn Foxconn của Đài Loan, còn gọi là Hồng Hải, nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới, với các khách hàng lớn như Hewlett Packard (HP), Dell, và Apple, đã đang ký đầu tư 5 tỷ USD vào Việt Nam. Tập đoàn dự kiến sẽ sản xuất các mặt hàng điện tử và máy tính, như máy ảnh kỹ thuật số, bo mạch chủ cho máy tính cá nhân, và máy nghe nhạc. Dự án này sẽ sử dụng khoảng 30.000 lao động.

 

Trong khi đó, tập đoàn Compal Electronics của Đài Loan cũng dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào dự án sản xuất máy tính xách tay (laptop) tại Việt Nam. Ngoài ra, tập đoàn còn có kế hoạch mở rộng sang sản xuất mặt hàng tivi LCD. Compal có thể sẽ nhận được giấy phép đầu tư trong tháng 7 này.

 

Báo cáo công bố hồi tháng 6 của tập đoàn nghiên cứu thị trường iSuppli cho rằng ngành chế tạo, gia công ở Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hơn 100%/năm trong thời gian từ năm 2006 đến 2011.

 

Mặc dù các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào xuất khẩu, nhưng Việt Nam cũng đang dần trở thành một thị trường quan trọng. Việt Nam hiện là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc, và số lượng khách hàng trung lưu ngày càng tăng đang giúp phát triển thị trường điện thoại di động, máy tính cá nhân và máy nghe nhạc iPod. Intel cho biết Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu thuê bao điện di động, và tỷ lệ sử dụng máy tính ở Hà Nội và TPHCM gần đạt 50%.

 

Bằng chứng mới nhất của xu hướng này là việc Jabil Circuit, một trong những tập đoàn công nghệ cao hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và cung cấp giải pháp vi điện tử và công nghệ thông tin, từ tháng 6 đã bắt đầu triển khai hoạt động tại Khu Công nghệ cao (SHTP) để sản xuất máy in laze cho hãng HP. Jabil dự kiến sẽ đầu tư 100 triệu USD cho hoạt động tại Việt Nam, nơi đang được coi là một địa điểm thay thế cho Trung Quốc.

 

Theo ông C.C. Lum, Giám đốc sản phẩm của Jabil ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam có lợi thế về chi phí. Tuy nhiên, ông cũng cho biết mặc dù mức lương tối thiểu khoảng 60 USD/tháng ở Việt Nam thấp hơn so với ở khu vực ven biển Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn có lợi thế hơn vì có mạng lưới nhà cung cấp linh kiện rộng khắp.

 

Đào tạo nguồn nhân lực trẻ

 

Tình trạng phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu hiện nay của Việt Nam sẽ được giải quyết khi ngày càng có nhiều nhà cung cấp. Tập đoàn Allied Technologies của Singapore hiện đang có 3 đơn vị độc lập, với 250 lao động, chuyên cung cấp linh kiện để Jabil sản xuất máy in HP.

 

Một thách thức lớn khác của Việt Nam hiện nay là việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ. Chính phủ Việt Nam hy vọng đến năm 2015 có thể tăng đội ngũ lao động có tay nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin lên 330.000 người, trong đó có 240.000 kỹ sư điện tử và viễn thông. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đặt mục tiêu đào tạo được 15.000 thạc sĩ và tiến sĩ trong lĩnh vực này.

 

Đây là những mục tiêu đầy tham vọng. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam, năm 2006, cả nước có 9.000 cử nhân công nghệ thông tin. Giám đốc công ty IDC Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể sớm gặt hái thành công nếu biết khai thác nhân tài Việt Nam ở nước ngoài.

 

Cũng như ở các thị trường mới nổi khác, ngành công nghệ thông tin tự nó sẽ đi đầu trong việc phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Ngày 4/6, tập đoàn Altera của Mỹ đã tuyên bố thành lập một trung tâm công nghệ tại TPHCM để hỗ trợ mạng lưới phát triển vi mạch toàn cầu của mình. Đây là một phần trong chiến lược của hãng nhằm tìm kiếm và phát triển đội ngũ kỹ sư quốc tế.

 

Một trong những công ty nước ngoài đầu tiên nhận thấy tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong nước chính là công ty thiết kế Renesas Technology của Nhật Bản. Năm 2004, họ thành lập Công ty TNHH Thiết kế Renesas Việt Nam (Renesas Design Vietnam) chuyên cung cấp vi mạch cỡ lớn LSI, phục vụ sản xuất hàng điện tử gia dụng, các thiết bị cầm tay và ô tô. Công ty này hiện có 150 lao động và dự kiến sẽ tăng lên 500 người trong 2-3 năm tới.

 

Ông Tsuneo Sato, Tổng Giám đốc Renesas Design Vietnam nhận xét, các kỹ sư trẻ của Việt Nam sáng dạ, ham học hỏi và có thái độ làm việc nghiêm túc.

 

Ông cũng cho biết lao động Việt Nam ít “nhảy việc” hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều hãng nhận thấy tiềm năng phát triển của thị trường công nghệ thông tin Việt Nam thì đây sẽ trở thành một thách thức lớn.

 

Đặng Lê

Theo Business Week

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm