Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
(Dân trí) - Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 11/10.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm nay đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam.
Các thành viên Liên hợp quốc tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (1 nước rút ứng cử vào phút chót).
Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.
Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng nâng cao
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi công bố kết quả, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, khẳng định kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và mức độ cạnh tranh cao giữa các nước ứng cử, nhất là trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương. Với sự đồng hành của các Bộ, ngành, đội ngũ cán bộ ngoại giao cả trong và ngoài nước, đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiến hành vận động bài bản, chủ động, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả thời gian qua, đóng góp quan trọng vào kết quả này.
Với thông điệp "Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người", trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền 3 năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới - là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc.
Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc, được thành lập năm 2006, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người của trong hệ thống Liên hợp quốc, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.
Gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.