1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ông Lennart Nordstrom, tham tán công sứ về Hợp tác phát triển Thụy Điển:

Việt Nam thiếu một hệ thống quản lý tài chính

"Chỉ riêng vụ PMU18 thôi thì không làm chúng tôi thay đổi chính sách của mình trong hợp tác phát triển với VN. Nhưng chúng tôi lo lắng tới nguy cơ tham nhũng lan rộng" - ông Lennart Nordstrom cho biết quan điểm của Thụy Điển về vụ bê bối ở PMU18.

Là một nhà tài trợ thường xuyên giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực chống tham nhũng, Thụy Điển quan tâm thế nào đến vụ việc này?

 

Vụ án PMU18 là vụ khá nghiêm trọng. Chính sách của chúng tôi đối với việc chống tham nhũng là rất mạnh mẽ. Khi có bất cứ trường hợp nào liên quan đến tham nhũng thì chúng tôi đều phải theo dõi và báo cáo để người dân được biết, bởi tiền viện trợ là tiền đóng thuế của dân.

 

Điều khiến chúng tôi lo ngại là tham nhũng không chỉ xảy ra với PMU18, mà còn có thể xảy ra ở các PMU khác.

 

Những lo ngại đó sẽ thay đổi quan điểm của Chính phủ Thụy Điển về tài trợ cho Việt Nam?

 

Thụy Điển chủ yếu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, chứ không cho vay nợ như các nhà tài trợ khác. Chỉ riêng vụ PMU18 thôi thì không làm chúng tôi thay đổi chính sách của mình trong hợp tác phát triển với Việt Nam. Nhưng chúng tôi thực sự quan tâm và lo lắng tới nguy cơ tham nhũng lan rộng.

 

Điều đó nếu xảy ra thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thái độ hành vi của chúng tôi khi làm việc với Việt Nam. Nhà tài trợ nào cũng đều muốn tiền của mình được sử dụng hiệu quả trong việc giúp Việt Nam xoá đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu khác.

 

Với kinh nghiệm chống tham nhũng của Thụy Điển, theo ông kẽ hở nào dẫn tới những tiêu cực ở PMU18?

 

Những gì diễn ra ở PMU18 cho thấy, Việt Nam còn thiếu một hệ thống quản lý tài chính. Nếu không có hệ thống theo dõi, giám sát, quản lý tốt thì rất dễ nảy sinh tiêu cực.

 

Theo tôi, cần phải xem xét, đánh giá lại xem mô hình PMU hoạt động có hiệu quả không, có làm tốt chức năng của mình không. Nếu không thì cần tìm giải pháp tốt hơn để thay thế. Nếu chỉ đơn giản thay đổi tên và giữ nguyên chính sách, cơ chế, con người đó thì tôi e rằng mọi việc không thay đổi.

 

Trên thực tế, các nhà tài trợ đều có hệ thống giám sát của riêng mình đối với các dự án tại Việt Nam. Vậy theo ông tại sao tiêu cực vẫn xảy ra?

 

Đối với Thụy Điển, chúng tôi giám sát qua các hệ thống báo cáo khác nhau như tài chính, quản lý, kiểm toán..., qua các cuộc họp thường xuyên giữa chúng tôi với đối tác Việt Nam. Giữa các nhà tài trợ cũng thiết lập hệ thống giám sát và hài hoà thủ tục để đảm bảo thực hiện tốt các dự án. Tuy nhiên, chúng tôi khó có thể kiểm sát quan hệ giữa các đối tác Việt Nam với nhau. Đó cũng là lo lắng của chúng tôi.

 

Trong quá trình giúp Việt Nam chống tham nhũng, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất mà Việt Nam phải đương đầu?

 

Chống tham nhũng phải được thực hiện ở tất cả các cấp, chứ không phải chỉ làm ở những điểm nóng cụ thể. Sau vụ việc ở PMU18, người dân cũng phải nhìn nhận vấn đề tham nhũng một cách nghiêm túc hơn.

 

Tôi hiểu ở Việt Nam có truyền thống tốt đẹp là nếu ai đó làm việc giúp ích cho mình thì mình cũng muốn cảm ơn người ta. Nhưng truyền thống đó đang bị lợi dụng và người ta sẵn sàng chạy chọt để đạt được những lợi ích mà mình mong muốn. Ví dụ, người vi phạm sẵn sàng hối lộ cảnh sát giao thông nếu vi phạm luật. Và họ cứ tự động làm thế.

 

Nên chăng, chúng ta nhân cơ hội này tạo ra tranh luận trong công chúng về ý thức trách nhiệm của người dân.

 

Thụy Điển sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực để chống tham nhũng. Ví dụ như tạo ra hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát và kiểm toán tốt. Nhưng cơ bản vẫn là hành vi và đạo đức của con người. Điều này thì mỗi cá nhân phải tự xây dựng cho mình.

 

Con người sinh ra ai cũng có những tham lam ích kỷ nhất định, nhưng phải đặt điều đó trong một lợi ích chung và trong khuôn khổ đạo đức. Đây là vấn đề lớn không phải chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Minh Đức

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm