1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Việt Nam: Ngôi sao đang lên

Hoàn toàn là tự nhiên khi chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết từ 18-23/6/2007 đến Hoa Kỳ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí nước ngoài, nhất là báo chí nước sở tại.

Lần đầu tiên, Nhật báo Wall Street đã thiết kế một phụ trương đặc biệt bốn trang về Việt Nam với tựa đề: Việt Nam: Ngôi sao đang lên mới mẻ nhất của Châu Á (Vietnam: Asia’s Newest Star Rises).

 

Trước đó, CNN đã có hẳn một video clip khẳng định rằng Việt Nam là "một chân trời mới" (New Horizon) của nền kinh tế thế giới, đồng thời cũng đang có một chân trời mới trong quan hệ Việt - Mỹ.

 

Sự tương đồng về ý tưởng và nhận định của báo giới Mỹ phản ánh rất rõ một điều: Việt Nam đang có một bước ngoặt thực tế đầy triển vọng để thoát khỏi đói nghèo, vững bước tiến lên trên con đường giàu mạnh.

 

Những hợp đồng kinh tế khổng lồ trị giá gần 11 tỉ USD, trong đó bước đột phá của TCty Phong Phú (thuộc Tập đoàn Vinatex) - ký kết liên doanh với các Cty Mỹ trong việc sản xuất vải tổng hợp và xây dựng cơ sở hạ tầng - cho thấy một cách làm mới: Sự hạn chế, chưa công bằng từ phía Mỹ đối với ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ được "tự tháo gỡ" bằng phương pháp liên doanh hai chiều.

 

Đặc biệt, việc Chính phủ mua bản quyền phần mềm Microsoft Office - thay vì để các bộ, ngành đứng ra mua riêng lẻ; vừa là một bước ngoặt đáng ghi nhận trong việc giải quyết những rắc rối bản quyền, vừa là sự tiết kiệm công sức, thời gian, tiền của cho nhiều doanh nghiệp, đồng thời chứng minh rất rõ ràng về nhu cầu "kết nối, hội nhập" không thể khác được của Việt Nam.

 

Và cũng không thể không nói đến, một trong những dấu ấn sâu đậm nhất của chuyến đi của Chủ tịch Nước là đã thắp lên được ngọn lửa mới trong tình cảm, nhiệt huyết của kiều bào ta ở Mỹ nói riêng, trên khắp thế giới nói chung. Chủ tịch Nước đã thẳng thắn bày tỏ rằng, ông mong muốn cả kiều bào đang ngồi trong hội trường (những người đã hiểu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước) và cả những người đang ở bên ngoài (còn có những hiểu lầm, bất đồng) hãy xích lại gần nhau hơn để chung tay xây dựng nước nhà, vì kiều bào là phần không thể thiếu được, phần không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Chủ tịch Nước đã dẫn rất hay câu ngạn ngữ "Gái có công, chồng chẳng phụ". Đó là một thông điệp vừa cụ thể, vừa hàm súc gửi đến cả nhân dân Mỹ và kiều bào ta. Chủ tịch Nước cũng đề nghị bà con Việt kiều hãy về thăm quê thường xuyên hơn. Có như thế mới hiểu đúng và nhìn nhận đủ, mới có thể gần gũi hơn, đồng lòng hơn.

 

7 năm trước, tháng 11 năm 2000 tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhấn mạnh rằng ông rất tin tưởng vào một "mùa xuân ấm áp trong quan hệ giữa hai nước" sẽ nhanh đến. Điều hy vọng ấy giờ đây trở thành hiện thực khi Tổng thống G.Bush nói rằng ông hy vọng nhân dân và Chính phủ hai nước nên nắm tay nhau để hướng đến tương lai.

 

Con đường phía trước hẵng còn dài. Nhưng thành công của chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Nước đã khẳng định, hiểu biết sẽ đến nếu sự tin cậy được bắt đầu. Sự hợp tác sâu, rộng, mạnh mẽ hoàn toàn là điều có thể một khi tầm cấp khác biệt về văn hoá, thể chế trở thành những nấc thang mới cho một cách đi hiệu quả và thực tiễn hơn.

 

Và, một dân tộc tự tin về năng lực và sức mạnh của mình, chân thành trong hợp tác, rõ ràng trong đối thoại, bao giờ cũng đủ thời gian và vận hội để chứng tỏ với nhân loại rằng, muốn thay đổi một cách nhìn, điều trước hết là phải biết lắng nghe và "muốn nhìn thấy" sự thay đổi từ cả hai phía.

 

Theo Hà Văn Thịnh
Báo Lao Động