Việt Nam lên tiếng về tình trạng "bài Á" tại Mỹ

Thái Anh

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam thường xuyên đề nghị Chính phủ các nước đảm bảo an toàn, quyền và lợi ích của công dân Việt, trước làn sóng kỳ thị người gốc Á ở nhiều quốc gia.

Chiều 25/3/2021, trả lời báo chí về tình trạng "bài Á" (chống người châu Á) đang diễn ra phức tạp tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, bảo hộ công dân là một trong những ưu tiên trong công tác đối ngoại của Việt Nam nói riêng và trong các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung.

"Các cơ quan chức năng Việt Nam trong và ngoài nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ để bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ở nước ngoài" - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Người phát ngôn cũng cho biết, Chính phủ và các bộ ngành thường xuyên đề nghị các nước đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập, đóng góp cho quá trình phát triển xã hội và kinh tế sở tại.

Theo đó, người Việt Nam nếu bị xâm hại có thể liên hệ và thông báo qua tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao cũng như đường dây nóng của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Việt Nam lên tiếng về tình trạng bài Á tại Mỹ  - 1
Hiện tượng kỳ thị người gốc Á gây nên nhiều diễn biến phức tạp tại Mỹ và một số nước Châu Âu.

Hiện tượng "bài Á" xảy ra tại Mỹ được cho là bắt đầu từ chuyện đại dịch Covid-19. Kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng sau đó, hành vi quấy rối và bạo lực nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á đã gia tăng nhanh chóng trên khắp nước Mỹ.

Nhiều vụ hành hung người cao tuổi gốc Á đã được ghi nhận tại Mỹ trong thời gian qua, gây lo ngại về tình trạng phân biệt chủng tộc do Covid-19.

Các hành vi thù ghét người gốc Á cũng gia tăng tại châu Âu trong thời kỳ đại dịch. Một số chính trị gia phương Tây đã liên tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa Trung Quốc với Covid-19 và với bối cảnh đó, những người gốc Đông Á và Đông Nam Á tại châu lục này ngày càng trở thành mục tiêu của phân biệt chủng tộc.