1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Việt Nam lãng phí mỗi năm 1 tỉ USD

Đó là nhận định của giáo sư David Dapice của Đại học Harvard trong bài phát biểu tại Hội thảo tổng kết 20 năm đổi mới ở VN diễn ra tại Hà Nội ngày 15 và 16/6. Ông đã có cuộc trao đổi xoay quanh chủ đề “chính sách công nghiệp hay chi tiêu lãng phí”.

Giáo sư đánh giá mức độ đầu tư không hiệu quả tại VN như thế nào?

Mỗi quốc gia đều có sự chi tiêu lãng phí nhưng vấn đề đặt ra là liệu hệ thống có thể phát hiện khi nào thì sự lãng phí ở mức không thể chấp nhận được.

Theo con số tôi có được, thu nhập từ dầu thô sau thuế của VN vào năm 2006 dự đoán là 5 tỉ USD. Các khoản kiều hối có nhiều ước tính khác nhau nhưng cũng vào khoảng 5 tỉ USD nữa. Đầu tư nước ngoài vào VN theo số liệu của Chính phủ là khoảng 4-5 tỉ USD. Còn viện trợ phát triển ODA sau khi trừ các khoản phải trả ở mức 2-3 tỉ USD.

IMF dự đoán tổng sản phẩm quốc nội GDP của VN năm 2006 đạt khoảng 55 tỉ USD, như vậy các luồng vốn nước ngoài bằng khoảng 25-30% GDP năm nay. Và trong thực tế mỗi năm Chính phủ VN cũng đầu tư vào mức 30% GDP. Nếu đầu tư một cách tiết kiệm và khôn ngoan, tỉ lệ tăng trưởng GDP của VN phải ở mức thực là 9-10% như ở Trung Quốc chứ không phải là 7-8%.

Khoảng thập kỷ 1960 và 1970, khi Đài Loan có mức thu nhập bình quân đầu người như VN hiện nay, họ đã tăng trưởng trên 11% trong suốt 10 năm liền tuy lượng đầu tư chỉ chiếm 25% GDP.  Như vậy, sự lãng phí làm VN mỗi năm tổn thất khoảng 2% GDP, tương đương 1 tỉ USD. Nếu điều này kéo dài trong vài năm, sự khác biệt sẽ rất lớn và lên tới vài tỉ USD mỗi năm do sự lãng phí của năm trước sẽ làm giảm sản lượng của năm tiếp theo.

Đâu là những ví dụ điển hình của việc lãng phí nguồn lực, thưa ông?

Việc các doanh nghiệp nhà nước được đầu tư quá nhiều cũng có thể làm xói mòn hiệu quả. Mới đây, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được phân bổ 750 triệu USD của đợt phát hành trái phiếu quốc tế nhằm mở rộng và đầu tư hàng loạt nhà máy đóng tàu ở các tỉnh.

Tôi có những tính toán cho thấy việc sử dụng nguồn vốn của Vinashin không hiệu quả. Một xưởng đóng tàu 120.000 tấn hiện đại đang được xây dựng ở Ấn Độ với chi phí 90 triệu USD trong khi với Vinashin phải cần tới 150 triệu USD. Như vậy với cùng một thời gian đóng tàu là 18 tháng, cùng một giá bán thì rõ ràng việc đóng tàu tại VN tập trung vào mục tiêu bán hàng hơn là lợi nhuận từ vốn.

Vinashin còn có một kế hoạch tổng thể đầu tư 3 tỉ USD vào các xưởng đóng tàu, nhà máy thép và các ngành công nghiệp cung ứng khác. Mức đầu tư đó sẽ khiến qui mô của Vinashin bằng 3/4 qui mô của Hyundai, tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới với 15% thị phần thế giới. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy Vinashin có khả năng kỹ thuật cũng như quản lý để biện minh cho một thị phần lớn như vậy.

Tôi cho rằng việc quyết định đầu tư hàng loạt nhà máy đóng tàu ở các tỉnh sẽ làm các địa phương hài lòng vì nó kéo theo sự phát triển hạ tầng ở các địa phương. Mặt khác, VN cũng muốn học tập các nước Đông Á vì đóng tàu là một ngành công nghiệp mà nhiều quốc gia châu Á đã thành công. Nhưng VN không nên sao chép thành công này với cách mà VN đang tiến hành là Chính phủ đi vay tiền đầu tư vào các ngành thiếu hiệu quả và tạo ít việc làm.

Hiện có một triệu việc làm trong các ngành công nghiệp xuất khẩu nhưng chỉ có nhiều nhất vài vạn lao động trong ngành công nghiệp đóng tàu và các ngành công nghiệp cung ứng của nó. Cách VN nên làm là cho phép các công ty tư nhân có khả năng tham gia với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua đào tạo và cung cấp cơ sở hạ tầng.

Một ví dụ nữa là dự án sân bay tại Đồng Nai với ý đồ thu hút 40- 50 triệu khách/năm. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất rộng tương đương với khu sân bay Changi của Singapore (đón 64 triệu khách/năm) và việc hiện đại hóa sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giúp sân bay này đảm nhận được lượng hành khách tại khu vực TPHCM trong 20-30 năm tới. Sân bay Tân Sơn Nhất năm nay dự kiến chỉ đón 4 triệu khách. Vì vậy, tôi cho rằng ý đồ đầu tư 4 tỉ USD vào một sân bay ở Đồng Nai là rất lãng phí.

Vậy theo ông, làm thế nào để giảm bớt sự lãng phí?

Tôi cho rằng VN cần một cơ chế để cảnh báo về các khoản đầu tư lãng phí. Đó có thể là một nhóm tại Quốc hội, là các chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng, hoặc một nhóm học giả. Các nhóm này có thể làm việc cùng nhau để chia sẻ và cung cấp thông tin. Tôi nghĩ việc có những thông tin rõ ràng và có những người hiểu biết về “sự việc” rằng đó có thể là các khoản đầu tư lãng phí sẽ rất hữu ích.

Ở nước nào cũng tồn tại những nhóm lợi ích khác nhau và có nhóm hoạt động mạnh, nhóm không. Tôi thấy tại VN các doanh nghiệp nước ngoài được tổ chức tốt và hiện diện mạnh mẽ hơn trong việc trình bày quan điểm với Chính phủ, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không có nhiều tiếng nói. Đây là điều không tốt.

Tóm lại, một khi mà sự thật được phơi bày thì rõ ràng sẽ có sức ép lớn hơn cho trách nhiệm giải trình. Và những quyết định đầu tư lãng phí, gây thiệt hại cho đất nước sẽ không còn dễ dàng được thông qua nữa.

Theo Cẩm Hà
Báo Tuổi Trẻ