1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Việt Nam là một trong những trọng điểm buôn bán thịt chó

(Dân trí) - Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA) kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán thịt chó tại một số quốc gia Đông Nam Á trọng điểm, trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê mỗi năm có tới khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết thịt, gây ra hiểm họa đối với sức khỏe con người. Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA) vừa được thành lập nhằm chấm dứt nạn muôn bán thịt. ACPA chú trọng vào các điểm nóng trên thị trường buôn bán thịt chó trên toàn thế giới – nguồn cung cấp chó từ Thái Lan, Campuchia, và Lào vào Việt Nam để giết thịt và tiêu thụ thịt chó. Liên minh ACPA bao gồm các tổ chức: Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation), Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (Humane Society International), Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) và Tổ chức Soi Dog -Thái Lan (Soi Dog Foundation), hoạt động trong khu vực và trên toàn cầu.

Trên thực tế, các sản phẩm thịt chó đã phát triển từ một ngành kinh doanh hộ gia đình quy mô nhỏ thành một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD lợi nhuận cho những người buôn lậu chó. Không chỉ vậy, nạn buôn chó còn liên quan trực tiếp đến việc bùng nổ các dịch bệnh như giun xoắn, bệnh tả và bệnh dại. Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đã khuyến cáo rằng nạn buôn bán chó chính là tác nhân bùng phát dịch bệnh dại ở Indonesia và bệnh tả ở Việt Nam.

"Nếu như xưa vì đói kém mà người ta phải ăn thịt chó, thì nay thịt chó ngày càng trở thành một món cao lương mỹ vị, và nhiều người ăn thịt chó vì tin vào các thuộc tính trị bệnh của nó. Tuy nhiên, thực tế là nơi nào ở châu Á mà nạn buôn bán thịt chó còn diễn ra, dù là phi pháp hay chưa được quy định, đều mang lại một mối nguy cơ cho cả sức khỏe của con người và vi phạm quyền lợi của động vật.” - Lola Webber, người đứng đầu các chương trình của Tổ chức Thay đổi vì Động vật (Change for Animals Foundation) phát biểu.

 

Thịt chó là món ăn khoái khẩu của nhiều người

Thịt chó là món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) tại Việt Nam cho rằng: “Việc buôn bán thịt chó đã thúc đẩy việc vận chuyển một số lượng lớn chó trái phép không rõ tình trạng bệnh tật và không kiểm soát tiêm chủng, đồng thời làm giảm hiệu quả của các nỗ lực xóa sổ bệnh dại ở khu vực, tạo ra mối lo ngại sâu sắc đối với cam kết mà các Bộ trưởng Y tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á đã đưa ra đối với việc loại bỏ hoàn toàn bệnh dại vào năm 2020. Các nỗ lực nhằm kiểm soát và loại bỏ bệnh dại sẽ không thể mang lại kết quả nếu như nạn buôn bán thịt chó vẫn tồn tại.”

Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) và Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (World Organisation for Animal Health) cũng khẳng định: Nếu các nước Châu Á còn tồn tại nạn buôn bán thịt chó không thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn các loại bệnh trên động vật của chính nước mình, và không có khả năng thực hiện các khuyến cáo nhằm kiểm soát và xóa sổ bệnh dại.Rất nhiều cuộc điều tra trên toàn châu Á đã chứng minh rằng tất cả các khâu trong chuỗi buôn bán cung ứng thịt chó từ khai thác, vận chuyển, phân phối, đến giết thịt đều vô cùng tàn bạo. Hơn nữa, vấn nạn này còn đe dọa sức khỏe cộng đồng thông qua việc lây truyền dịch bệnh.

Theo kế hoạch, hội nghị kết nối các thành viên của liên minh, cùng với chính phủ và chính quyền các nước nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này sẽ được diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 tới.

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm