1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Việt Nam là mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu thế giới

(Dân trí) - “Chính phủ và doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh. Chuẩn bị sẵn sàng về nội bộ và nội lực để cùng đi vào Cộng đồng ASEAN… Trong năm 2015 này, đây là yêu cầu hết sức cấp bách”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Ngày 6/2, UBND TPHCM phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015”. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: “Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra đường lối đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới; trong đó chủ trương quan trọng có ý nghĩa đột phá là chuyển từ “chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”, sang chủ trương “triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.

Hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế
là trọng tâm, quan trọng nhất của tiến trình hội nhập (Ảnh: T.H)

Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, hội nhập quốc tế được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, song tựu chung lại có 4 lĩnh vực quan trọng nhất là kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và các lĩnh vực khác. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, là nội dung chính và quan trọng nhất của tiến trình hội nhập. Đây là quá trình thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hội nhập kinh tế quốc tế ở cấp độ cao hơn, phù hợp với khả năng của đất nước và xu hướng phát triển của kinh tế khu vực và thế giới.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ưu tiên đối ngoại hàng đầu của nước ta là chủ động, tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN – là không gian tồn tại và phát triển của chúng ta; củng cố đoàn kết, duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực. Việt Nam hiện là nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN, đạt tỷ lệ 85% so với tỷ lệ trung bình của ASEAN là hơn 80%.

Hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, là công cụ quan trọng đẩy mạnh thu hút FDI, ODA, tăng cường xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, độ mở cửa của nền kinh tế nước ta đã rất lớn, với kim ngạch xuất nhập - khẩu lên đến 160% GDP. Việt Nam đã kết thúc đàm phán 2 trong 6 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, then chốt (với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Nga – Belarus – Kazakhstan), đặt những viên gạch đầu tiên trong việc định vị Việt Nam là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, năm 2015 có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta, với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2011-2015), tiếp tục triển khai mạnh mẽ hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Nổi bật là nước ta chủ động tham gia đóng góp tại các cơ chế hợp tác, liên kết trên mọi tầng nấc, với trọng tâm là hình thành Cộng đồng ASEAN, nỗ lực hoàn tất các đàm phán thương mại tự do then chốt TPP, EU, RCEP, hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ MDG do Liên hợp quốc đề ra và xây dựng chương trình nghị sự hậu MDG… Điều này đặt ra cho nước ta nhiều thời cơ, vận hội mới nhưng cũng không ít thách thức cần vượt qua, trong đó có nhiều vấn đề rất mới và chưa có tiền lệ.

Hội nhập quốc tế

TPHCM và doanh nghiệp trên địa bàn phải là những người đầu tiên nắm bắt được những cơ hội do tiến trình hội nhập quốc tế đem lại

“Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế. Điều này đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh. Chuẩn bị sẵn sàng về nội bộ và nội lực để cùng đi vào Cộng đồng ASEAN. Phải gấp rút chuẩn bị cho việc tham gia một thị trường ASEAN duy nhất và không gian thống nhất, trước hết là với việc giảm thuế quan, thuận lợi hóa tối đa lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… Trong năm 2015 này, đây là yêu cầu hết sức cấp bách”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

TPHCM luôn là đầu tàu của cả nước trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế. Vì vậy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu TPHCM và doanh nghiệp trên địa bàn phải là những người đầu tiên nắm bắt được những cơ hội do tiến trình hội nhập quốc tế đem lại, cũng cần là những người đầu tiên biết cách vượt qua những khó khăn, thách thức mà chúng ta sẽ gặp phải khi tham gia sâu rộng vào sân chơi khu vực và toàn cầu.

Công Quang