1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Việt Nam kêu gọi đẩy nhanh dự án Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong

(Dân trí) - Việt Nam đã kêu gọi các nước trong tiểu vùng sông Mekong sớm trao đổi cụ thể để triển khai dự án Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm nâng cao năng lực trong việc quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong.

Ngày 23/3, tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất với sự tham dự của lãnh đạo các nước tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.

Với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai”, hội nghị đã khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong - Lan Thương.

Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với sự ra đời của một cơ chế hợp tác mới giữa các nước Mekong - Lan Thương. Lần đầu tiên, cả 6 nước trong lưu vực sông Mekong - Lan Thương cùng trao đổi về phương hướng, biện pháp phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mekong đối với sự phát triển các nước ven sông và nhất trí tăng cường hợp tác giữa 6 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.

Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 6 nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.

Kết thúc hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á "Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong - Lan Thương”, Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất và danh sách các dự án thu hoạch sớm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề cập tới thực trang hạn hán đang diễn ra gay gắt ở các nước hạ nguồn lưu vực sông Mekong, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái và cuộc sống của hàng triệu người dân.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Trung Quốc tăng cường xả nước ở thượng nguồn theo đề nghị của các nước hạ nguồn Mekong để hỗ trợ khắc phục tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn là biểu hiện của sự cần thiết hợp tác Mekong – Lan Thương.

Việt Nam ủng hộ hợp tác nguồn nước là trọng tâm hàng đầu trong 5 lĩnh vực ưu tiên của Hợp tác Mekong-Lan Thương, Phó Thủ tướng nêu rõ, đồng thời cũng đề nghị các chuyên gia sớm trao đổi cụ thể để triển khai dự án xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương bao gồm việc xây dựng Tài liệu tham chiếu của Trung tâm, bảo đảm tính hiệu quả và bổ trợ cho hoạt động của các cơ chế và công cụ hiện có, như Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC).

"Việt Nam sẵn sàng đóng góp tài chính cho việc thành lập và hoạt động của Trung tâm, bao gồm cả việc cử chuyên gia đến công tác tại Trung tâm", Phó Thủ tướng khẳng định.

Tại hội nghị, Việt Nam đã đề xuất 3 dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong - Lan Thương, trong đó có dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mekong - Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.

Nam Hằng

Việt Nam kêu gọi đẩy nhanh dự án Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - 2