1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam góp phần phát huy tiếng nói chung của các nước đang phát triển

(Dân trí) - Bài phát biểu của Chủ tịch nước với thông điệp “Tăng cường kết nối Á-Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế” tại Hội nghị Cấp cao Á - Phi đã nhận được sự hoan nghênh và nhất trí cao của Hội nghị.

Theo đặc phái viên TTXVN, vào lúc 9h35 sáng 22/4 tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Tổng thống Joko Widodo (Giô-cô Uy-đô-đô) đã nổi hồi cồng, khai mạc trọng thể Hội nghị Cấp cao Á-Phi, kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung (Băng-đung) 1955, 10 năm Quan hệ Đối tác chiến lược mới Á-Phi, trước sự chứng kiến của 91 Đoàn cấp cao các nước Á-Phi (47 châu Á, 44 châu Phi), trong đó có 23 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng, 7 phó tổng thống, 6 phó thủ tướng và trên 30 bộ trưởng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Lễ khai mạc bắt đầu với màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của nước chủ nhà. Tiếp đó, Tổng thống Indonesia đã phát biểu khai mạc, nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề Hội nghị lần này và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác Á-Phi trong bối cảnh mới.

Việt Nam góp phần phát huy tiếng nói chung của các nước đang phát triển

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Phiên họp toàn thể 1 của Hội nghị cấp cao Á - Phi, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị ở Thủ đô Jakarta (Indonesia). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN.

Phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất của Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Hội nghị Bandung năm 1955 đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ để nhân dân các nước Á-Phi đứng lên giành độc lập dân tộc và vươn lên phát triển về mọi mặt; ngày nay, vị trí, vai trò của hai châu lục Á-Phi ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà nhiều nước Á-Phi đang phải đối mặt, đặc biệt là khủng bố, xung đột vũ trang, bất ổn, tranh chấp chủ quyền, đe dọa sử dụng vũ lực, nghèo đói, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước, sự bất bình đẳng của hệ thống kinh tế, tài chính, thương mại toàn cầu...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: là một trong 29 quốc gia tham gia Hội nghị Bandung 1955, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ đề của Hội nghị Cấp cao lần này là “Tăng cường hợp tác Nam-Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”; kêu gọi trước tiên hai châu lục cần tăng cường hợp tác bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh - điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững. Chủ tịch nước nhấn mạnh các nước cần tuân thủ 10 nguyên tắc Bandung mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, “không xâm lược, đe doạ xâm lược và sử dụng vũ lực”, “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương LHQ”. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật thông điệp của Việt Nam là “Tăng cường kết nối Á-Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế ”.

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần ưu tiên tăng cường liên kết bền vững Á-Phi dựa trên các luật lệ và chuẩn mực chung, nhất là kết nối về kinh tế, thông qua các sáng kiến hợp tác Nam-Nam về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, viễn thông, lao động, y tế, giáo dục... ở cấp độ khu vực, tiểu khu vực và hợp tác song phương; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy kết nối về hàng hải, hàng không, gắn kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong môi trường an ninh, hòa bình và ổn định.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác với các nước Á-Phi; bày tỏ cảm ơn sâu sắc các nước bạn bè Á-Phi đã ủng hộ về vật chất và tinh thần đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Về Đông Nam Á, Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam cùng các nước ASEAN đang hoàn tất xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay; nhấn mạnh các nước ASEAN đang nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác, trong đó có châu Phi; khẳng định Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chủ tịch nước nhấn mạnh, ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam chủ trương tăng cường tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào các cơ chế hoạch định chính sách, góp phần phát huy tiếng nói chung của các nước đang phát triển; thông báo Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ ở Nam Sudan, Cộng hoà Trung Phi và sẽ tăng cường tham gia các hoạt động này, đặc biệt tại châu Phi trong thời gian tới.

Bài phát biểu của Chủ tịch nước với thông điệp “Tăng cường kết nối Á-Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế” đã nhận được sự hoan nghênh và nhất trí cao của Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị Cấp cao Á - Phi.

Quang cảnh Hội nghị Cấp cao Á - Phi.

* Trong sáng 22/4, Chủ tịch nước đã tiếp Phó Tổng thống Venezuela Jorge Arreaza (Hoóc-hê A-rê-a-xa), Phó Tổng thống Angola Manuel Domingos Vicente (Ma-nu-ên Đô-minh-gốt Vi-xênh-tê) và Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia Taieb Baccouche (Tai-ê Ba-cô-chê). Tiếp Phó Tổng thống Venezuela Jorge Arreaza, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam nhất quán ủng hộ Chính quyền hợp hiến ở Venezuela, mong muốn nhân dân Venezuela anh em sớm vượt qua khó khăn, đoàn kết xây dựng đất nước hòa bình và ngày càng phồn vinh. Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Phó Tổng thống Elias Jaua (Ê-li-át Ha-oa) (11-14/3/2015) và Phiên họp III của Ủy ban Liên Chính phủ hai nước (UBLCP) trong dịp này (11/3/2015), khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác hỗ trợ Venezuela tăng cường sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phù hợp với khả năng của hai bên. Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Venezuela tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các dự án đầu tư/hợp tác tại Venezuela về chiếu sáng đô thị, sản xuất đèn tiết kiệm điện, thép polime, vật liệu xây dựng...

Đánh giá hai bên còn nhiều thế mạnh và dư địa hợp tác cùng có lợi, nhất là về nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, xây dựng…, Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì thường xuyên và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ. Trên bình diện đa phương, Chủ tịch nước đánh giá cao mối quan hệ phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên tinh thần anh em giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương trong thời gian qua; khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác và phối hợp chặt chẽ với Venezuela và các nước bạn bè khác nhằm đảm bảo thành công cho Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết do Venezuela đăng cai tổ chức vào tháng 9 tới. Phó Tổng thống Jorge Arreaza bày tỏ tình cảm khâm phục và ngưỡng mộ của nhân dân Venezuela đối với những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây và xây dựng đất nước hiện nay, cho biết Venezuela luôn coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam. Phó Tổng thống nhất trí hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển hợp tác, cần phát huy kết quả của kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ vừa qua.

Trong cuộc tiếp Phó Tổng thống Angola Manuel Domingos Vicente, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp đối với đất nước và nhân dân Angola, đánh giá cao những bước phát triển kinh tế-xã hội của Angola trong thời gian gần đây. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ truyền thống, hữu nghị với Angola. Hai bên cần tăng cường củng cố quan hệ chính trị thông qua trao đổi và tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là về viễn thông, nông nghiệp, thương mại. Việc tăng cường hợp tác kết nghĩa giữa các địa phương cũng là hướng phát triển mới cần được đẩy mạnh. Hai nước cần phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Chủ tịch nước cảm ơn và đề nghị lãnh đạo Angola tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Angola. Phó Tổng thống Manuel Domingos Vicente cho biết lãnh đạo cấp cao Angola mong muốn thăm Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống giữa hai nước. Hai bên có rất nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác, trong đó có lĩnh vực viễn thông, lao động, khai khoáng, xây dựng. Phó Tổng thống đề nghị Việt Nam cử đoàn sang Angola để thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực xây dựng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, ngay trong tháng 7/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ thăm Angola, thành phần đoàn sẽ bao gồm Bộ Xây dựng để bàn thảo và triển khai sớm lĩnh vực hợp tác này. Hai bên cũng nhất trí tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Angola (12/11/1975-12/11/2015).

Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia Taieb Baccouche, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng những thành tựu của nhân dân Tunisia trong việc ổn định và phát triển đất nước, khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với các bạn bè truyền thống, trong đó có Tunisia. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hai nước cần duy trì và tăng cường quan hệ chính trị, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức đa phương. Về kinh tế, tiềm năng phát triển hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, hai bên cần chuẩn bị tốt cho kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp song phương vào cuối năm nay tại Tunisia, trong đó có việc ký kết một số văn bản tạo nền tảng pháp lý cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Tunisia. Bộ trưởng Taieb Baccouche bày tỏ sự khâm phục đối với các thành tựu của Việt Nam trong kháng chiến giành độc lập, tự do cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước; cho biết thành công của Việt Nam là nguồn cảm hứng mở đường cho các dân tộc thuộc địa, trong đó có nhân dân Tunisia đấu tranh chống chế độ thực dân và giành độc lập. Bộ trưởng nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp, coi đây là dịp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Bộ trưởng cũng đề nghị Việt Nam xem xét mở cơ quan đại diện tại Tunisia, cho rằng quan hệ Việt Nam - Tunisia là biểu tượng cho quan hệ đối tác mới Á - Phi trên tinh thần của Hội nghị Cấp cao Á - Phi lần này.

TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm