Việt Nam góp 100.000 USD cho Quỹ, 5 triệu USD cho Kho dự trữ chống Covid-19
(Dân trí) - Đây là thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi chủ trì phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra sáng nay, 12/11, với sự tham gia của lãnh đạo các nước và Tổng thư ký ASEAN.
Gợi ý thảo luận, Thủ tướng đề nghị các Lãnh đạo ASEAN đóng góp các ý kiến để gợi mở ra nhiều biện pháp thiết thực triển khai hiệu quả các mục tiêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 giai đoạn tới, qua đó ngày càng phát huy vai trò, vị thế của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế.
Các lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua Đánh giá giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025, ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN.
Trong nỗ lực ứng phó chung với đại dịch Covid-19, các lãnh đạo đã thông qua Khung phục hồi tổng thể của ASEAN cùng Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung Thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, chính thức công bố lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và thúc đẩy vận hành Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để hỗ trợ hiệu quả các nhu cầu chống dịch của khu vực, nhất trí kế hoạch lập Trung tâm khu vực ASEAN về Ứng phó dịch bệnh và các tình huống y tế khẩn cấp.
Lãnh đạo các nước cũng tái khẳng định yêu cầu tiên quyết cần duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao khả năng tự cường, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Các lãnh đạo nhận định, ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, trong đó đảm bảo đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Phát biểu trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công bố Việt Nam sẽ đóng góp 100.000 USD Mỹ vào Quỹ Ứng phó Covid-19 và cam kết đóng góp thiết bị vật tư y tế vào Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực với giá trị 5 triệu USD Mỹ.
Quan điểm của Việt Nam về Biển Đông phù hợp với nhận thức chung
Ngoài ra, để ứng phó với các thách thức gay gắt từ dịch bệnh, thiên tai, duy trì các mục tiêu phát triển đồng đều, bền vững, Thủ tướng Việt Nam đề nghị ASEAN đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, trong đó có gắn kết phát triển các tiểu vùng, như Mê Công, với phát triển chung của ASEAN để không vùng, miền nào bị bỏ lại phía sau.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề cao bản sắc, hình ảnh và giá trị chung của Cộng đồng ASEAN, Chủ tịch ASEAN năm 2020 ủng hộ tăng cường sử dụng cờ ASEAN và ASEAN ca tại khu vực. Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ thực hiện treo cờ ASEAN tại trụ sở các cơ quan Chính phủ từ đầu 2021.
Trao đổi về tình hình Biển Đông, Thủ tướng khẳng định lại quan điểm của Việt Nam, phù hợp với nhận thức chung của ASEAN về nỗ lực, quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, mọi quốc gia cần thượng tôn pháp luật, coi UNCLOS 1982 là khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển, tự do hàng hải, hàng không, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trên tinh thần đó, việc các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Kết thúc hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN đã thông qua một số văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các Đối tác ủng hộ như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Trong chiều 12/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì các Hội nghị Cấp cao ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ và Thượng đỉnh Phụ nữ ASEAN.