1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Việt Nam gia nhập WTO: Ước mơ và hy vọng

(Dân trí) - Ngày 11/1 vừa qua, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ thứ 150 của WTO. Nhân sự kiện trọng đại này, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn đầu tư TCK ở Việt Nam, ông Karl D John, đã có nhận xét về kinh tế Việt Nam.

Hơn 30 năm sau ngày thống nhất đất nước và hơn 20 năm sau ngày thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày một “thân thiện” hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trung bình đạt 7,25% trong suốt một thập kỷ qua đã kéoGDP bình quân đầu người lên gấp đôi. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 8,2%, đứng thứ 2 ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

 

Nhiều nhà phân tích kinh tế dự đoán việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ càng thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư vào Việt Nam, từ đó sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt Trung Quốc trong năm nay. Ngay cả khi chưa gia nhập WTO, Việt Nam đã là một địa điểm hấp dẫn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp, so với các nước phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Một số nhà phân tích dự đoán rằng những dấu hiệu hạn chế đầu tư nước ngoài gần đây xuất hiện ở Thái Lan sẽ càng thúc đẩy là sóng FDI chuyển từ các nước Đông Nam Á khác sang Việt
Nam. Ngoài ra, yếu tố nhân công “tương đối rẻ” nhưng siêng năng của Việt Nam cũng là một sức hấp dẫn.

 

Cơ sở hạ tầng còn lạc hậu của quốc gia châu Á này vẫn là một e ngại của các nhà đầu tư; tuy nhiên, việc tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ là Intel quyết định xây dựng một trong những nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chíp lớn nhất thế giới tại Việt Nam đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo với Thái Lan và Malaysia - hai nước đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu hàng điện tử.

 

Mới đây, hãng Canon cũng đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất máy in laser và in phun lớn nhất thế giới tại Việt Nam.  

“WTO có ý nghĩa như một loại tem chứng nhận chất lượng mà rất nhiều công ty lớn của Mỹ đã chờ đợi từ lâu. Sau sự kiện này, họ sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam,” Giám đốc Ford Motor tại Việt Nam, ông Tim Tucker, nhận định. Ford hiện đã có một nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

 

Việc chính thức gia nhập WTO cũng sẽ giải thoát cho Việt Nam khỏi “gánh nặng” hạn ngạch mà Mỹ đã áp dụng với hàng dệt may của Việt Nam. Thêm vào đó, việc gần đây EU áp dụng chính sách hạn ngạch mới đối với hàng dệt may của Trung Quốc có thể sẽ khiến nhiều nhà nhập khẩu ở EU chuyển hướng sang Việt Nam.  

Ủy ban Phát triển Thương mại Hồng Kông gần đây cũng đã khuyên các doanh nghiệp của khu kinh tế này mở rộng hoạt động sang Việt
Nam.

 

Tuy nhiên, cũng cần nhận định khách quan rằng Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn quá độ từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do. Dù lạc quan nhưng cũng không thể phủ nhận rằng Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, với GDP bình quân đầu người trung bình chỉ đạt 620 USD và quy mô nền kinh tế chỉ bằng gần nửa Thái Lan.

 

Mặc dù rất phấn khởi trước những cơ hội mà việc gia nhập WTO sẽ đem lại, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với tập quán kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu và sự cạnh tranh từ nước ngoài chắc chắn sẽ tạo ra những xáo trộn lớn trong nhiều ngành nghề, từ đó có thể tạo áp lực xã hội đối với chính phủ.

 

Việc dỡ bỏ các khoản trợ cấp theo quy định bắt buộc của WTO và gia tăng cạnh tranh từ nước ngoài dự kiến sẽ đẩy khoảng 2.000 doanh nghiệp nhà nước đến bờ vực phá sản. Số doanh nghiệp này đang đóng góp 38% vào GDP và giải quyết hàng triệu việc làm. Việc chính phủ giải quyết vấn đề này như thế nào sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định xã hội và sức hấp dẫn nguồn vốn FDI của Việt Nam trong tương lai. Như một xu hướng tất yếu, chính phủ Việt Nam đã phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Việc gia nhập WTO đòi hỏi Việt
Nam phải nghiêm túc rà soát lại nguồn nhân lực.

 

Tuy nhiên, với một đất nước đã từng rơi vào cảnh thiếu gạo sau cuộc chiến tranh, nay lại vươn lên thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, xuất khẩu cà phê và hạt điều lớn thứ 2 thế giới, thì việc một lần nữa vượt qua khó khăn thách thức không phải là điều không thể.  

 

Với sự hỗ trợ đáng kể của các công ty và tổ chức nước ngoài, một số ngành như nông nghiệp, ngân hàng đã sớm khởi động để bước vào một sân chơi mới.

 

Như Tùng

Theo Asia Times Online