1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Việt Nam đứng cuối bảng chỉ số công nghệ

(Dân trí) - Việt Nam thường đứng ở vị trí cuối hoặc nửa cuối bảng xếp hạng về một số chỉ số công nghệ quan trọng như: Chính phủ điện tử, khả năng sáng tạo công nghệ, phổ biến công nghệ hiện đại, kỹ năng con người, xã hội thông tin, truy cập dữ liệu…

Đó là đánh giá của Ủy ban khoa học công nghệ, môi trường trong báo cáo thẩm tra dự luật Công nghệ cao vừa trình lên Quốc hội. Báo cáo cũng đưa ra nhận xét: Năng lực khoa học, công nghệ quốc gia nói chung của nước ta còn thấp và quy mô quá nhỏ bé.

Trong thế giới hiện đại, công nghệ cao có tác động lan tỏa trực tiếp và gián tiếp tới mọi lĩnh vực, tạo nên các ngành công nghiệp tăng trưởng hoàn toàn mới. Công nghiệp công nghệ cao được đặc trưng bởi sự đổi mới liên tục về công nghệ và sản phẩm, có tốc độ tăng trưởng vượt bậc và chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong thương mại nội địa và quốc tế, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của nhiều quốc gia cũng như của toàn thế giới.

Khái niệm công nghệ cao được đề cập ở Việt Nam vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước và được sử dụng một cách rộng rãi, chính thức trong các tài liệu khoa học, các văn bản, văn kiện của Đảng và Nhà nước vào thập kỷ 80, đặc biệt từ những năm 90 trở lại đây.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong, Việt Nam đã làm chủ được một số công nghệ cao chuyên ngành trong các lĩnh vực như điện tử - tin học - viễn thông thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tầu, công nghệ sinh học, công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi...

Do nắm vững được hàng loạt kỹ thuật cao, từ khâu chuẩn đoán đến điều trị là một số công nghệ cao chuyên ngành hóa dược, ngành y tế đã làm chủ và chế ngự được một số căn bệnh nguy hiểm, độ tử vong cao hoặc những bệnh có tỷ lệ mắc bệnh lớn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có được (sở hữu, làm chủ được) bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao mà mới chỉ dừng ở mức độ làm chủ được một công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố công nghệ cao nào đó mang tính chuyên ngành.

Đây cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến cho công nghệ nước ta chậm được đổi mới, trình độ công nghệ còn ở mức thấp.

3 thách thức lớn cho phát triển công nghệ cao ở Việt Nam

1. Đầu tư cho công nghệ cao còn quá thấp trong khi công nghệ cao là một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, có tính mạo hiểm cao. Nguồn ngân sách nhà nước cũng như năng lực tài chính của các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, đào tạo có hạn nên chưa có khả năng đầu tư lớn.

2. Việc triển khai một số chính sách, chủ trương đã có về phát triển công nghệ cao còn chậm, thiếu đồng bộ và nhất quán.

3. Bí quyết công nghệ cao mà những tổ chức, quốc gia đang sở hữu, luôn nắm giữ như một bí quyết cạnh tranh chủ yếu, không muốn chuyển giao cho tổ chức, quốc gia khác.

Lê Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm