Việt Nam đề nghị Mỹ dỡ trừng phạt về cáo buộc "đi đêm" với Iran

Thái Anh

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định giao dịch thương mại với Iran minh bạch, hợp pháp và đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt việc "vận chuyển khí từ Iran" trái lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.

Thông tin Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã tuyên bố xử phạt Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam và Giám đốc điều hành doanh nghiệp này với cáo buộc "vận chuyển khí hóa lỏng từ Iran" trái với nội dung cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là vấn đề được nêu ra tại cuộc họp báo chiều 17/12 của Bộ Ngoại giao.

Nêu quan điểm về thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh nguyên tắc, là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết và xử lý nghiêm, một cách thỏa đáng các trường hợp vi phạm.

Việt Nam đề nghị Mỹ dỡ trừng phạt về cáo buộc đi đêm với Iran - 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chủ trì cuộc họp báo cuối cùng trong năm 2020 của Bộ này (ảnh: Quốc Chính).

Tuy nhiên, bà Hằng cũng khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và Iran luôn công khai, minh bạch và hợp pháp. Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran không trái với các nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

"Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam giải thích.

Theo đó, bà bày tỏ: "Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Mỹ và đề nghị Mỹ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Công ty cổ phần Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam và không làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đó, trong thông báo được phát cùng ngày hôm nay, 17/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt với Công ty cổ phần Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) cùng người đứng đầu là ông Võ Ngọc Phụng, với cáo buộc PCT đã "cố ý tham gia các giao dịch vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Iran trong hoặc sau ngày 5/11/2018".

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ không nói rõ PCT và ông Võ Ngọc Phụng sẽ chịu các biện pháp hạn chế gì. Phía Mỹ cũng nêu ra cơ sở xác định và áp đặt trừng phạt là Sắc lệnh hành pháp số 13846 được Tổng thống Donald Trump ký ngày 6/8/2018.

Bác bỏ cáo buộc "chính sách quản chế tự do báo chí"

Cũng tại cuộc họp báo cuối cùng trong năm 2020 của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin từ Tổ chức quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho rằng chính sách quản chế tự do báo chí của chính phủ Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm khắc, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đưa ra về tình hình Việt Nam".

Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan, được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua.

Bà Hằng dẫn nhiều con số được đánh giá là "ấn tượng" để chứng minh. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình; mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số; hơn 64 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng Internet và hơn 62 triệu người dân sử dụng mạng xã hội.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lập luận, ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành.