Việt Nam đang tụt hạng trên bảng xếp hạng về khoảng cách giới
(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội thở dài nhận xét khi tham gia ý kiến thẩm tra báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018 của Chính phủ. Ông cảnh báo, Việt Nam đang tụt hạng trên bảng xếp hạng về khoảng cách giới do yếu tố vị thế chính trị của phụ nữ giảm xuống…
Báo cáo bổ sung việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 của Chính phủ được đưa ra thẩm tra sơ bộ tại phiên họp toàn thể của UB Các vấn đề xã hội ngày 7/8.
Thay mặt Chính phủ trình báo cáo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, có 8 chỉ tiêu thống kê được đến thời điểm tháng 6/2019 đã tiệm cận đạt, đạt và vượt so với yêu cầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.
Theo đó, tỷ lệ tạo việc làm mới cho lao động nữ vẫn đạt ở mức 48%; tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15 -60 là 97,37%, tỷ lệ dân tộc thiểu số biết chữ là 92,75% (vượt 2,75%); cơ bản 100% hệ thống thông tin cơ sở tại các xã/phường/thị trấn đều dành thời lượng phát sóng cho các nội dung liên quan đến bình đẳng giới; 100% Đài phát thanh và đài truyền hình ở trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần. 100% thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới.
Ngoài ra, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về thông qua trao trả và được giải cứu, số nạn nhân bị mua bán tự trở về được phát hiện, được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu tỷ lệ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chỉ đạt 47%, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB &XH Nguyễn Thị Hà cho biết, chỉ tiêu này chưa đạt nhưng có tiến bộ mới. Tính đến tháng 4/2019, có 14/128 nữ Phó Bí thư, 8/63 Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 31 nữ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 18 nữ Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Và đến nay có 7/63 nữ Bí thư Tỉnh uỷ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh những tồn tại về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là chưa có giải pháp nào hiệu lực, hiệu quả như việc bảo đảm cơ cấu nữ trong tỉnh ủy viên, bộ máy lãnh đạo của các bộ, sở ngành. Do đó, đại biểu đề nghị có chỉ tiêu về giới trong bổ nhiệm cán bộ; hàng năm hoặc nhiệm kỳ các địa phương, bộ ngành phải có tổng kết thực hiện bình đẳng giới; làm tốt công tác tư vấn cho phụ nữ định hướng vươn lên.
Ở khía cạnh khác, ông phân tích, bất bình đẳng giới chưa cải thiện ngay trong tư tưởng khi tình trạng phân biệt vẫn diễn ra hàng ngày trên các lĩnh vực mà các động thái can thiệp đều chỉ ở mức hô hào, hình thức. Ngoài chuyện sử dụng cán bộ nữ, ngay chuyện phá thai, sàng lọc giới tính thai nhi cả xã hội nói mãi mà việc đó vẫn diễn ra hàng ngày, không có dấu hiệu chuyển biến.
“Vẫn bao nhiêu cơ sở thực hiện sàng lọc giới tính thai nhi mà không thấy ai phát hiện, có phát hiện thì cũng không công bố, có công bố thì cũng không thấy ai bị xử lý gì” – ông Phương thở dài.
Tương tự, năm nào các cơ quan cũng xem xét báo cáo về việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ cán bộ nữ nhưng hầu hết các cơ quan, đơn vị đều không đạt, cũng vẫn không ai bị phê bình, kiểm điểm, kỷ luật. Đại biểu kiến nghị hàng năm phải có tổng kết tới từng bộ, ngành, sở, tỉnh thành xem đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào không đạt để khen thưởng, kỷ luật xác đáng.
Tán thành phân tích này, Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, con số các nữ công chức từ Phó Giám đốc sở trở lên trên cả nước mới ở mức hơn 2000, là quá thấp. Ngay trong Quốc hội khóa này cũng có 3 đoàn đại biểu của các tỉnh thành không có nữ, rõ ràng không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ cơ cấu nữ mà địa phương cũng không bị “bêu tên”, phê bình.
Bà Trang kêu gọi, chuẩn bị cho đại hội Đảng, bầu cử HĐND các cấp, bầu cử Quốc hội khóa tới, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ nên phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để thực hiện các cuộc kiểm tra vì nếu để công việc chuẩn bị xong xuôi rồi mới tiến hành rà soát thì chuyện “sắp mâm sắp bát” cũng hoàn thành, khó có thể làm gì thay đổi.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề, cần phải xem việc thực hiện bình đẳng giới là nguồn lực cho phát triển chứ không phải là chuyện phải làm cho xong trách nhiệm.
Chốt lại phần thảo luận, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nhận xét, bất bình đẳng giới là vấn đề trầm kha tồn tại đã nhiều năm. Kết quả, đánh giá về khoảng cách giới trên bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam liên tục tụt hạng những năm qua. Năm 2018, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 77 trong khi 1 năm trước đó vẫn nằm trong top 60 quốc gia phía trên bảng xếp hạng. Mà việc tụt hạng này chủ yếu do yếu tố vị thế về mặt chính trị của phụ nữ Việt Nam bị giảm xuống.
“Nhìn vào cơ cấu cán bộ nữ ở các cơ quan hiện đều rất lèo tèo trong khi xét về tỷ lệ dân số cả nước thì nữ thậm chí còn nhỉnh hơn nam giới. Tại sao lại đề ra tiêu chí chỉ cần có một nữ là một cơ quan, đơn vị đã được đánh giá đạt 95% nhiệm vụ “cơ cấu có phụ nữ làm lãnh đạo”. Đáng ra cần phải tính rõ ràng tỷ lệ nữ là bao nhiêu % trong toàn tổ chức. Thực tế tôi nhìn lớp cán bộ nữ cận kề thì thấy khoá tới là… rớt hết” – ông Lợi ta thán.
P.Thảo